13:26 ngày 22/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các nhà đầu tư đã giải ngân 1,51 tỷ USD vốn FDI trong tháng 1

21:15 06/02/2025

(THPL) - Trong tháng 1/2025, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 1,51 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo công bố mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đầu tiên của năm 2025.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI trong tháng đầu năm ước đạt khoảng 1,51 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đầu tư mới giảm 43,6% do tháng 1/2025 không có nhiều dự án lớn so với cùng kỳ. Tháng 1/2025 chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư 101 triệu USD, trong khi tháng 1/2024 có 3 dự án trên 100 triệu USD với tổng vốn hơn 1,06 tỷ USD.

Ngoài ra, các quyết định đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch. 

Chỉ trong tháng 1, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 16/21 ngành kinh tế tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ trong tháng 1, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 16/21 ngành kinh tế tại Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn nhất với hơn 3 tỷ USD, chiếm 71% tổng vốn đăng ký, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Bất động sản đứng thứ hai với gần 1,09 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký, nhưng giảm 6% so với cùng kỳ. Các ngành còn lại như khoa học - công nghệ, cấp nước, xử lý chất thải cũng thu hút hàng chục triệu USD vốn FDI.

Đã có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2025. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,25 tỷ USD, chiếm hơn 28,9% tổng vốn đầu tư, gấp 13,4 lần cùng kỳ. Singapore đứng thứ 2 với hơn 1,24 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông,…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 19%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,4%).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, TP trên cả nước trong tháng 1/2025. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng hơn 1,39 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ 2 với gần 959 triệu USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ. Hà Nội đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 716,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương…

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 35,5%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 19%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 64,2%).

Liên quan đến dòng vốn FDI, vừa qua, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Thỏa thuận là “đòn bẩy” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam.

Tập đoàn NVIDIA đã ký thỏa thuận với một số đối tác về việc dịch chuyển chuỗi sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam, với cam kết đầu tư từ 4-4,5 tỷ USD trong vòng 4 năm tới, do vậy, dự kiến dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, theo đánh giá mới nhất của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố chính, gồm: Chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định. Dự báo thu hút FDI trong ngắn hạn vẫn duy trì mức ổn định và tương đương năm 2023, vốn đăng ký đạt khoảng 39-40 tỷ USD (năm 2023 đạt 39,4 tỷ USD), vốn thực hiện đạt khoảng trên 23-24 tỷ USD (năm 2023 đạt 23,18 tỷ USD).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, thời điểm để tăng tốc, bứt phá và về đích để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn phát triển mới 2026-2030 với tâm thế sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Việt Nam đã và đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

"Thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng sạch, và công nghệ xanh, đồng thời sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực tài chính số và tài chính xanh để phát triển hệ sinh thái tài chính số, thúc đẩy các sáng kiến tài chính bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu