09:10 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các chế độ BHXH cho người lao động mắc COVID-19

08:15 02/03/2022

(THPL) - Hiện cả nước vẫn đang ghi nhận hàng chục nghìn ca COVID-19 mới mỗi ngày, trong đó có số lượng lớn là người lao động (NLĐ) có tham gia BHXH. Trong trường hợp này, NLĐ sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH nếu đảm bảo đủ điều kiện và hồ sơ theo quy định.

Chế độ ốm đau

Về điều kiện hưởng, theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động bị mắc COVID-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc COVID-19.

Về hồ sơ hưởng, theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng BHXH.

Theo báo Dân trí, Bộ Y tế cũng đã có các Công văn số 1492/KCB-PHCN&GĐ ngày 19/11/2021, Công văn số 238/BYT-KCB ngày 14/01/2022, theo đó, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị ốm đau thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH năm 2014; khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị hưởng (đối với người lao động là F0 hoặc chăm con dưới 7 tuổi là F0) gồm giấy tờ sau: Nếu người lao động là F0 điều trị nội trú sẽ cần giấy ra viện; nếu người lao động là F0 điều trị ngoại trú cần giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Về thời gian hưởng, Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Căn cứ Điều 29 của Luật BHXH năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc COVID-19, nếu NLĐ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của NLĐ vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; Tối đa 7 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

 Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày.

Theo báo Tin tức, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, số lượng người mắc COVID điều trị tại nhà gia tăng mà Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng BHXH đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ… cũng như NLĐ phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà. BHXH Việt Nam đã kịp thời có các Công văn: số 1638/BHXH-CSXH ngày 11/6/2021; số 2321/BHXH-CSXH ngày 03/8/2021; số 2793/BHXH-CSXH ngày 06/9/2021, số 2989/BHXH-CSXH ngày 24/9/2021 và số 10/BHXH-CSXH ngày 05/01/2022 báo cáo, đề xuất với Bộ Y tế về thực trạng này.

Mới đây, ngày 14/1/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 238/BYT-KCB tại điểm 2, điểm 3 nêu: “Hiện nay các Văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời chưa có quy định chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ. Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản Luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết các vấn đề nêu trên”.

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.557.629 ca mắc COVID-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932).

Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 2.479.883 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.851 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.119 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 348 ca; Thở máy không xâm lấn: 94 ca; Thở máy xâm lấn: 281 ca; ECMO: 9 ca

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu