11:54 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

"Bóng tối trốn thuế" đằng sau sự bùng nổ thương mại điện tử

18:55 27/10/2024

Theo Tổng cục Thuế, hiện vẫn còn nhiều cá nhân và hộ kinh doanh thương mại điện tử chưa thực hiện đăng ký thuế và khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định, thông qua các hành vi gian lận. Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế đối với các tổ chức kinh doanh xuyên biên giới vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, thời gian qua, cơ quan thuế đã ghi nhận nhiều cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và trên các nền tảng số đã tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế, thể hiện sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc tuân thủ pháp luật thuế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhưng cũng đi kèm với khó khăn trong việc quản lý do tính chất "ẩn danh" của loại hình kinh doanh này.

Cơ quan thuế khuyến cáo rằng các tổ chức kinh doanh xuyên biên giới và các cá nhân kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử cần chủ động đăng ký và nộp thuế trước khi bị cơ quan thuế “rà soát”. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và ngành thuế, cùng với việc kết nối dữ liệu dân cư, là rất cần thiết để ngăn chặn thất thu thuế từ lĩnh vực này.

Cơ quan thuế tiếp tục làm giàu dữ liệu thông tin từ sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài. (Ảnh: Vneconomy)

Dẫn chứng về các hành vi trốn thuế, Tổng cục Thuế cho biết nhiều người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại, hoặc yêu cầu khách hàng chuyển khoản mà không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa, mà thay vào đó là các cụm từ như “cho vay”, “trả nợ” hay “quà tặng”. Đối với giao dịch trực tiếp, nhiều người bán yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt để tránh bị theo dõi.

Điển hình là trường hợp sàn thương mại điện tử Temu, một nhà bán lẻ lớn của Trung Quốc, hoạt động tại Việt Nam hơn một tháng nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép. Mãi đến ngày 24/10, Temu mới chính thức gửi văn bản xin phép cơ quan quản lý, gây lo ngại về tình trạng thất thu thuế do trách nhiệm quản lý chưa được rõ ràng.

Cơ quan thuế nhấn mạnh rằng thương mại điện tử là một xu thế phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng tình trạng cá nhân và tổ chức kinh doanh không khai báo, giấu doanh thu ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi các biện pháp quản lý vừa tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, vừa ngăn chặn thất thu thuế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân và hộ kinh doanh phải thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo phương pháp "tự kê khai, tự nộp". Để hỗ trợ, Tổng cục Thuế đã tạo chuyên mục riêng trên trang web của mình để hướng dẫn đăng ký và khai nộp thuế điện tử.

Cơ quan thuế đang tích cực phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử và các cơ quan liên quan để làm sạch cơ sở dữ liệu lớn về người nộp thuế. Việc này giúp tăng cường quản lý thông tin người bán hàng và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo Báo điện tử Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để yêu cầu các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin chính xác, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và chống hàng giả. Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để rà soát, quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm.

Tiến Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu