18:56 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế sẽ công bố kết quả xét nghiệm nước mắm vào đầu tuần tới

| 11:17 22/10/2016

(DNVN) - Hơn 200 mẫu nước mắm đã được lấy tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để xét nghiệm. Kết quả đã cơ bản hoàn thành, chắc chắn sẽ công bố trong đầu tuần tới.

Ngày 22/10, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã có kết quả xét nghiệm nước mắm, sau khi Hội bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thông báo về một số sản phẩm bị nhiễm asen; ngay trong tuần tới sẽ công bố kết quả về chất lượng nước mắm do cục này tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong tuần qua.

“Hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm quyền, người tiêu dùng không nên hoang mang về chất lượng nước mắm. Các sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép lưu hành đúng như hồ sơ công bố là sản phẩm an toàn. Các chỉ tiêu về vi sinh, kim loại đã được quy định rõ trong tiêu chuẩn về nước mắm, buộc các cơ sở phải chấp hành để được phân phối trên thị trường”, ông Phong khẳng định.

“Hơn 200 mẫu nước mắm đã được lấy để xét nghiệm. Kết quả đã cơ bản hoàn thành, chắc chắn sẽ công bố trong đầu tuần tới. Các xét nghiệm trên nhằm làm rõ có hay không "nước mắm hóa chất” và nước mắm chứa asen độc hại”, ông Phong xác nhận.

Ông Phong cho biết, cục này cũng đã có văn bản đề nghị Vinastas gửi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc trong đó có các nội dung về quy trình lấy mẫu, phương pháp thử… Kết quả trên đã được Vinastas thông tin đến cơ quan báo chí trong tuần qua.

Theo quy định của Bộ Y tế về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lấy mẫu phải có ít nhất 3 mẫu, trong đó 1 mẫu lưu tại cơ sở được lấy mẫu, 1 mẫu đoàn kiểm tra sẽ lưu lại và 1 mẫu đưa đi xét nghiệm. Các mẫu này đều phải được niêm phong và có sự xác nhận của chủ cơ sở cũng như đại diện đoàn kiểm tra.

Ảnh: Tuổi Trẻ.

Theo ông Phong, khi có kết quả kiểm nghiệm lần đầu mà chủ cơ cở không chấp nhận, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục kiểm nghiệm lần 2 trong số mẫu lưu. Trường hợp có tranh cãi thì sẽ phải thực hiện mẫu tại đơn vị độc lập có đủ năng lực xét nghiệm.

“Việc bảo quản các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm này được thực hiện giống nhau. Lấy mẫu đúng quy trình đảm bảo tính khách quan, cho kết quả trung thực. Đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về thực phẩm phải đủ năng lực, được Bộ Y tế chỉ định”, ông Phong lưu ý.
Ông Phong cho rằng, không chỉ riêng nước mắm, với tất cả các xét nghiệm mẫu thực phẩm, việc công bố các sản phẩm vi phạm chỉ được thực hiện khi các mẫu được lấy đúng nguyên tắc, xét nghiệm theo quy trình chuẩn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và ổn định sản xuất.

Mới đây, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố trong 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu thì có tới 67,3% không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt, mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (lên tới 95,65% mẫu khảo sát).

Sau khi thông tin về sản phẩm nước mắm có asen, có khả năng gây ung thư, dư luận đã tỏ ra hoài nghi về tính chính xác về kết quả khảo sát này. Không những vậy, sau khi kết quả khảo sát được công bố, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm cùng đang rất hoang mang, đối mặt với các thiệt hại khi khách hàng đòi trả sản phẩm...

Trước tình thế này, ngày 21/10, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM cùng có văn gửi bản kiến nghị đến Thủ tướng, các cơ quan liên quan Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công Thương và Bộ Công an về xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyển thống của Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã ra thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm trong đó có đoạn sau: “đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu Arsen (thạch tín) - một loại á kim cực độc. Theo quy định tại Qui chuẩn KT về Kim loại nặng (QCVN 8-2:2011/BYT), hàm lượng Arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít, nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy hàm lượng Arsen tổng trong các mẫu không đạt, dao động từ 1-5 mg/lít. Điều đáng chú ý, các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đàm từ 40 độ trở lên có hàm lượng Arsen vượt ngưỡng quy định)”.

Theo Vasep và các hiệp hội, công bố này của Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa Arsen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và Arsen vô cơ rất độc. Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nông độ Arsen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với QCVN 8-2:2011/ BYT, trong đó hàm lượng Arsen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg/l.

Việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm Arsen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển. Với tuyên bố một cách chung chung Arsen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng cực kỳ hoang mang,có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống, một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Mặc dù Vinastas không công khai danh sách các nhãn hàng nước mắm có dư lượng Arsen, nhưng ngay hôm sau danh sách này đã được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Có hiện tượng danh sách này được nhân viên của một số nhà sản xuất nước mắm công nghiệp đi phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ. Nội dung quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp xuất hiện trên một số báo ghi không đúng của qui định về Asen tại QCVN 8-2:2011/BYT.

Vị vậy, ngày 20/10, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống bao gồm Hiệp Hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp Hội Nước mắm Phan Thiết- Bình Thuận, Hiệp Hội Nước Mắm Nha Trang, Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cùng một số doanh nghiệp nước mắm đại diện cho miền Bắc đã họp để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam và thống nhất những giải pháp để bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống.

Lãnh đạo của 5 Hiệp Hội tham gia cuộc họp đã thống nhất kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức đô gây thiệt hại củaThông cáo báo chí của Hiệp Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Vinastas ngày 16/10/ 2016 đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.

Thủ Tướng Chính Phủ chỉ đạo các Bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng Arsen, thực chất là không gây hại theo Qui định tại “Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm của Bộ Y tế “ QCVN 8-2:2011/ BYT”, nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng.

Đồng thời chỉ đạo các Bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc Arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm Arsen trong nước mắm tại Qui chuẩn KT về Kim loại nặng QCVN 8-2:2011 là Arsen vô cơ.

Quy chuẩn kỹ thuật về nước mắm đang được Bộ Y tế soạn thảo từ 2012, đưa nhiều quy định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống, đến nay không được ban hành. Theo đó, các hiệp hội đề nghị Thủ tướng chuyển giao việc soạn thảo và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho nước mắm sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phù hợp với chuyên môn. Đồng thời, thúc đẩy việc ban hành nhanh chóng quy chuẩn kỹ thuật này.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu