22:20 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng đưa máy tạo oxy, kít xét nghiệm đã qua sử dụng vào Việt Nam

Minh Đức (tổng hợp) | 18:26 19/02/2022

(THPL) - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra số bộ kít test nhanh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Internet

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung công việc, cụ thể:

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chống chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.

Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng: Thuốc phòng, bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, gang tay, khẩu trang y tế,... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn nâng cao hiệu lực, hiểu quả công tác đấu tranh chông buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Báo Tiền phong thông tin thêm, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Qua kiểm tra về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác thanh tra y tế từ trung ương đến địa phương; đặc biệt là đối với cơ quan Thanh tra Bộ Y tế. Đề xuất này dựa trên thực tế lực lượng cán bộ quá ít trong khi phải thực thi nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong thời gian gần đây như: công tác phòng, chống dịch COVID-19 hoặc công tác giám định tư pháp/định giá tài sản theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét bổ sung biên chế cán bộ làm công tác quản lý trang thiết bị y tế từ trung ương đến địa phương để triển khai công tác hậu kiểm về hoạt động đăng ký lưu hành, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế nói chung và các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 21/2 này, mức giá trần mới sẽ giảm cao nhất khoảng 30% so với giá hiện hành.

Cụ thể, theo Thông tư 02 thay thế Thông tư 16, mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế như sau:

Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.

Mức giá theo quy định hiện hành ở Thông tư16 là 109.700 đồng/xét nghiệm. Như vậy mức giá mới sẽ giảm khoảng 30% so với giá đang thực hiện.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn:

Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:

- Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phản ứng theo quy định có mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm.

- Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho phản ứng theo quy định, trong đó sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu