05:51 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ VHTT&DL thông tin về quy định chờ tắt/mở quảng cáo tối đa 1,5 giây

18:34 02/06/2021

(THPL) - Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Sau khi ban hành, Nghị định nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí cũng như dư luận. Đáng chú ý, quy định "thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo 1,5 giây" khiến nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ "chói chân" các cơ quan báo chí trong nước.

Trước một số ý kiến cho rằng việc thực hiện Nghị định 38 về việc quy định thời gian tắt mở của quảng cáo không ở vùng cố định của báo điện tử là 1,5 giây làm giảm doanh thu quảng cáo, ảnh hưởng đến sự phát triển của báo điện tử, báo Chính phủ đưa tin, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, các loại hình báo chí đều có quy định về những vùng cố định (không gian, thời lượng) dành riêng cho quảng cáo. Nhưng quy định về quảng cáo không ở vùng cố định thì báo hình, báo in không có nên đối với báo điện tử quy định hiện nay là vẫn được quảng cáo không ở vùng cố định, nhưng phải “đảm bảo thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo. Thời gian tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây”.

“Phải chú ý từ “chủ động”, đó là quyền của độc giả, nếu đang xem tin tức quan trọng họ có thể tắt ngay quảng cáo để không ảnh hưởng, nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo có thể phát tiếp mà không có khống chế thời gian”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy làm rõ.

Như vậy, quy định này không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử, mà chỉ cần đáp ứng hai yêu cầu: Một là có phím để tắt (mở); hai là nếu có thao tác tắt hoặc mở thì phải đáp ứng ngay trong thời gian 1,5 giây, tránh trường hợp độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế, lại không thể xem đầy đủ, liên tục thông tin mà họ muốn tiếp nhận.

Quy định 1,5 giây không hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử (ảnh minh họa)

Ngoài ra, quy định này đã có trong Luật Quảng cáo, vì vậy các báo điện tử đã thực hiện quy định đó trong thời gian gần 10 năm. Hành vi, mức xử phạt cũng được quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong suốt thời gian này, vì vậy, việc thực thi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP không có tác động đến doanh thu của báo điện tử.

Báo VTV Online thông tin thêm, cũng liên quan đến quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo 1,5 giây, nhiều ý kiến cho rằng các trang mạng xã hội, YouTube không bị điều chỉnh bởi quy định trên. Và điều này sẽ khiến báo chí trong nước thua thiệt?

Trả lời vấn đề này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh Báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… Với vai trò quan trọng như vậy, việc có các quy định riêng về quảng cáo đối với loại hình báo chí là cần thiết, đúng theo chức năng, cơ cấu, tôn chỉ, mục đích hoạt động của cơ quan báo chí.

Các mạng xã hội, YouTube… không phải là cơ quan báo chí, tiêu chí hoạt động cũng như đối tượng tham gia, tương tác cũng khác, hoạt động của các trang mạng xã hội còn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

"Vì vậy, việc quy định và áp dụng với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống cơ quan báo chí", Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, để đẩy mạnh hoạt động quảng cáo theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm đã ban hành đến các tổ chức có liên quan nhằm thống nhất trong nhận thức để thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Sang năm 2022, Bộ VHTT&DL sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo cũng như trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Đồng thời tiến hành các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nhà nước về quảng cáo cho đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu