22:19 ngày 18/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bộ trưởng NN&PTNT trả lời chất vấn trước Quốc hội về "khủng hoảng” thịt lợn

11:04 13/06/2017

(THPL) - Đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến “cuộc khủng hoảng” thịt lợn trong thời gian vừa qua.

Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là “tư lệnh ngành” đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Infonet

Đầu giờ sáng, có tới 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình “cuộc khủng hoảng” thịt lợn thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) băn khoăn, theo quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2015 sẽ có 32 triệu con lợn, nhưng đến năm 2016 thị trường mới có 29 triệu con lợn - thấp hơn rất nhiều quy hoạch mà đã xảy ra khủng hoảng, người chăn nuôi thua lỗ.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) cho biết, có thời điểm người chăn nuôi lợn đã lỗ đến 50% chi phí. Đại biểu này đặt câu hỏi về việc Bộ đã có giải pháp triệt để nào cho vấn đề này cũng như tình trạng "được mùa, mất giá" của các sản phẩm khác.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phải “giải cứu” thịt lợn, theo Bizlive.

Thứ nhất, theo Bộ trưởng, là do sức sản xuất quá lớn, tăng trưởng quá nhanh, dẫn đến cung vượt quá cầu. Hơn 10 năm qua, riêng về thịt nói chung tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn. Riêng về sữa thì tăng lên 15 lần, hiện tại ở mức 800 nghìn tấn, cá nuôi cũng tăng mạnh từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn…

Như vậy có thể thấy, khối lượng thực phẩm tăng một cách khổng lồ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, đàn lợn phát triển rất nhanh. Sau 10 năm lợn nái tăng gấp đôi, lên hơn 4 triệu con. Số nông hộ dù đã được co lại gọn lại vẫn còn tới 3 triệu hộ”, ông Cường cho biết.

Ngoài ra, theo ông Cường, cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày hay cỗ bàn của người dân cũng đã thay đổi. Trước đây một bữa cỗ tới 70% là thịt lợn, nhưng giờ thì có nhiều loại thực phẩm khác được người dân lựa chọn. 

Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng, việc tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Hiện có 3 triệu hộ nông hộ, con số này còn cao. Thời gian tới chúng ta phải co lại, quy mô nhỏ như thế sản xuất giá thành cao, khó sản xuất. Tổ chức chế biến chưa tốt lại cách ly với sản xuất. Có thể nói khâu chế biến kém nhất trong tất cả các khâu”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, hiện nay chỉ có rất ít doanh nghiệp là có quy trình khép kín. Thịt lợn chủ yếu vẫn được bán trên phản thịt ngoài chợ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, về ngoại thương chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chúng ta vẫn chưa mở cửa được. Trong khi đó, vào tháng 4 vừa qua khi bắt đầu mùa nóng, sức tiêu thụ của thị trường giảm đi nên đã dẫn tới tình trạng thừa thịt lợn. Sau khi đưa ra các hạn chế của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Hoàng Quỳnh (T/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu