00:51 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị chưa biên soạn thêm bộ sách giáo khoa

| 22:11 01/11/2023

(THPL) - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất là cần ưu tiên thẩm định chất lượng sách giáo khoa cho lớp 5, 9, 12 thật tốt, đảm bảo đủ sách cho năm học tới. Còn việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK, sẽ có đánh giá sâu, đề đạt với Quốc hội về việc biên soạn thêm sách giáo khoa.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội tại phiên họp sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Bộ nhận thức đây là đòi hỏi rất cao của Chính phủ khi đã làm được những việc quan trọng song cần làm tốt thêm. Chúng tôi hiểu và ra sức cố gắng. Trong Nghị quyết giám sát của Đoàn giám sát đã có sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, người tham gia soạn sách".

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa (SGK) mà nhiều ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: Vừa qua, UBTVQH giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và trong Nghị quyết giám sát 686 đã ghi nhận: Hệ thống SGK, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung SGK bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất năng lực của học sinh…

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm

Theo Bộ trưởng, cũng có ý kiến băn khoăn về tài chính chi cho đổi mới giáo dục, con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ, đây là con số thống kê cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển. Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình, thẩm định SGK, tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí là 395,2 tỷ đồng.

Về việc đại biểu quan tâm Nghị quyết đoàn giám sát liên quan tới việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các SGK  lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới. Vấn đề được giao, Bộ sẽ có nghiên cứu, đề xuất và cố gắng trong 1- 2 năm tới khi một chu trình đổi mới đã được hoàn tất, sẽ có đánh giá sâu và đề đạt với Quốc hội sau".

Tham gia phát biểu tranh luận với ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) về việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tiếp tục nêu quan điểm: Tôi cho rằng, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì Bộ tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết. 

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý phát biểu tranh luận 
Biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội nhắc tới sự độc quyền và lãng phí

Theo bà Kim Thúy, thực tế còn có một số ý kiến cho rằng “phải có một bộ SGK chuẩn” nhưng bà Kim Thúy cho rằng hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Theo Nghị quyết này dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Đúng là ngày xưa ta chỉ học mỗi một bộ SGK, chỉ ăn khoai sắn cũng nên người. Nhưng mỗi thời mỗi khác, không thể bắt ngày nay giống ngày xưa được. Bây giờ con cháu chúng ta phải ăn uống đầy đủ thì mới cải tạo được tầm vóc để sánh vai với các cường quốc 5 châu”, bà Kim Thúy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc xã hội hóa sách giáo khoa nhằm huy động nguồn lực xã hội đồng thời tạo sự lựa chọn đa dạng cho người học. Theo ông Nghĩa, việc xã hội hóa này đang được triển khai tốt với ba bộ sách khác nhau thì không nên đặt vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa. “Bao giờ khi mới triển khai cũng sẽ có vấn đề cần giải quyết, nhưng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn có giải quyết được các vấn đề không?” đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.

Tiếp tục đưa ra quan điểm nếu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định: Có thể quay lại tình trạng độc quyền biên soạn SGK bởi các nhà trường được quyền chọn sách, không tránh khỏi tình trạng giáo viên để an toàn họ sẽ chọn ngay bộ sách của Bộ vì công việc chọn SGK không đơn giản.

Tôi cho rằng, nếu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm sách giáo khoa chắc chắn sẽ lại rơi vào độc quyền, chắc chắn quay trở về thời chỉ một bộ SGK. Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đề nghị không ban hành với lý do hiện nay chúng ta đã có nhiều Bộ SGK, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giảng dạy cho học sinh, đủ cho các trường lựa chọn nên Bộ không cần thiết phải biên soạn một bộ sách.

Quan điểm của tôi là vẫn cần có thêm một bộ SGK (ở đây không phải nói tới sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Vì trong Nghị quyết, chủ trương thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK và SGK dù sao cũng là một mặt hàng, dù nó là một mặt hàng đặc biệt đi chăng nữa. Vậy khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau.

Cũng như người đi mua hàng, khi không có sự chọn lựa nào thì bắt buộc phải mua một mặt hàng duy nhất được cung cấp. Nhưng khi có nhiều sự lựa chọn thì quyền chọn lựa sẽ tốt hơn. Từ đó, tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách. Vậy ai là người hưởng lợi? Chính là học sinh, giáo viên, phụ huynh. Như vậy, chúng ta không chốt bao nhiêu bộ là đủ, nhiều cũng được không sao cả nhưng bắt buộc các tổ chức cá nhân phải có sự cạnh tranh với nhau.

Quốc An 

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu