19:33 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội nhắc tới sự độc quyền và lãng phí

07:13 01/11/2023

(THPL) - Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất trong một năm tới. Do đó, yêu cầu để Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) lại làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đặc biệt, có không ít ĐBQH bày tỏ quan điểm: Việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK là chưa thực sự phù hợp với thực tế, việc này rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền như trước, thầy cô và học sinh thiếu chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, học tập.

Có nguy cơ tạo độc quyền

Liên quan tới “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”, chiều 31/10, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đã dành phần lớn thời gian để góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Đại biểu này cho rằng: Báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thực tế triển khai, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nêu lên những kiến nghị xác đáng, có tính hệ thống với Chính phủ để đổi mới đạt kết quả tốt hơn.

 

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đã đã dành phần lớn thời gian để góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Nêu kiến nghị cụ thể, ông Thanh không tán thành về việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88. Nói rõ thêm về lý do này, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019. “Cả hai văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định của Nghị quyết 88/2014 về việc “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, ông Thanh cho biết việc này không phù hợp với thực tế, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã đạt những kết quả và đang diễn ra thuận lợi.

Thứ ba, về hậu quả, việc này dễ dẫn đến triệt tiêu xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa và đi ngược lại xu hướng quốc tế. 

Tôi tin rằng, nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách SGK của các nước trên thế giới thì có thể đã không nêu lên kiến nghị này”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Cũng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: Lộ trình để thay đổi SGK và chương trình giảng dạy không phải là 4 năm, mà quá trình 10 năm kéo dài từ năm đầu tiên vào lớp đến năm cuối cùng ra trường. Do vậy, nếu đang đi giữa chừng mà thay đổi về mặt chiến lược thì nhiều khi làm phá vỡ chương trình.

Đặc biệt, ông Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh rằng: Việc cần có một bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn thì phải được cân nhắc kỹ. Bởi lẽ, khi cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT lại xây dựng một bộ sách thì người ta sẽ ngầm hiểu rằng bộ sách đấy là bộ sách được chỉ định. Và khi đã được chỉ định như thế thì yếu tố tự do về mặt tư tưởng, lựa chọn, tôn trọng sở thích, mong muốn và cách tiếp cận của mỗi một người học gần như không còn nữa. Có nguy cơ trở thành độc quyền SGK nên chúng ta phải hết sức cân nhắc việc này.

Hiện tại đang có 3 bộ SGK chính là: Kết nối tri thức, Cánh diều và Chân trời sáng tạo. Dù có những ý kiến khác nhau về việc thực hiện đổi mới chương trình 2018, nhưng trên thực tế thầy trò cả nước đã và đang thực hiện tốt một chương trình với nhiều bộ SGK .

Nhiều chuyên gia gạo cội có năng lực và kinh nghiệm biên soạn SGK khẳng định: Việc xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa vừa phát huy trí tuệ, tài chính từ nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, hạn chế những tiêu cực trong việc “độc quyền” sách giáo khoa mà chúng ta đã từng nêu rất nhiều ở các chương trình cũ. Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa mới, có thể trở thành nguy cơ dẫn đến một tình trạng không công bằng, dân chủ, làm mất tính cạnh tranh trong việc lựa chọn sách giáo khoa. 

 Dễ gây lãng phí và không phù hợp 

Trước đó, Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, vấn đề biên soạn thêm một bộ SGK của Nhà nước lại một lần nữa lại được nhắc đến.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu quốc hội Đà Nẵng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói: Việc chi 400 tỷ giao Bộ Giáo dục làm một bộ sách vừa lãng phí vừa không phù hợp về pháp lý, đề nghị đánh giá tác động trước khi quyết định việc này.

Bà Kim Thúy đã dẫn văn bản sau đó của Văn phòng Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về chính sách của các nước về sách giáo khoa, tỷ lệ quốc gia ở châu Âu, Đông Nam Á mà nhà nước không chủ trì biên soạn sách hay số quốc gia mà sách giáo khoa toàn bộ do tư nhân biên soạn.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý nêu ý kiến. Ảnh: Quochoi.vn
Hiện tại đang có 3 bộ SGK chính là: Kết nối tri thức, Cánh diều và Chân trời sáng tạo.

Ngoài ra, Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Đại biểu này cũng cho rằng việc này sau đó không thực hiện được do không huy động đủ tác giả. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo biên soạn sách theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước và trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng).

Qua xem xét báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122. Theo đó, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Do đó, bà Kim Thúy cho rằng nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách thì vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Bà lo ngại việc này làm nhà đầu tư giảm niềm tin vào chính sách của Nhà nước.

Về thực tế, bà nói ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình (2020), ba nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, với số tiền trên 1.200 tỷ đồng.

Bà Kim Thúy đặt câu hỏi có cần thiết chi 400 tỷ đồng từ ngân sách để làm thêm một bộ sách. Ngoài ra, bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có khiến trở lại độc quyền như trước và xóa bỏ xã hội hóa hay không.

Nói thêm về vấn đề này, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) – là đại biểu từng công tác trong ngành giáo dục cũng cho biết: Tôi cho rằng trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là phải giải trình trước Quốc hội và Chính phủ tại sao không thực hiện nội dung ngay trong Nghị quyết 29?

Các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo đầu ngành có năng lực đã được quy tụ để thực hiện ba bộ SGK. Còn để bây giờ Bộ GD&ĐT quy tụ được các nhân tài để viết một bộ sách là khó. Bởi, ai là người đứng ra để cam đoan bộ sách này bao giờ xong? Khi nào sẽ hoàn thiện? Liệu trong bộ sách mới này có sạch “sạn” hay không?

Về mặt giá thành, thiết nghĩ Bộ cần phải làm thế nào đó để điều kiện học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn được tiếp cận tất cả các bộ sách học mà không quá áp lực với tất cả phụ huynh trong đầu năm học.

Còn bây giờ cứ loay hoay đi vào soạn thêm một bộ sách thì 5 năm sau chúng ta mới đánh giá được Nghị quyết 29. Như thế, Nghị quyết này sẽ không thật sự đi vào cuộc sống. Đây là điều bản thân tôi cũng rất trăn trở.

Đối với 3 bộ sách đang dùng hiện nay theo tôi thấy đang rất ổn, chỗ nào còn “sạn” thì ban biên tập, tổ thẩm định và Bộ GD&ĐT phải ngồi lại rà soát, chỉ đạo để hoàn thiện các bộ sách này để đưa vào guồng luôn. Đất nước đang khó khăn, nếu dùng nguồn lực, ngân sách để biên soạn một bộ SGK mới thì sẽ không mang lại hiệu quả, gây lãng phí và dễ dẫn đến độc quyền.

 

Quốc An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu