02:21 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Tài chính thông tin về kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay

08:53 08/05/2023

(THPL) - Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Tài chính, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) trả lời kiến nghị của doanh nghiệp hàng không về việc bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Tại văn bản trả lời, Bộ Tài chính cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: "Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải".

Theo Bộ Tài chính, cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là nhà chức trách hàng không. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của doanh nghiệp hàng không.

Về giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải đánh giá tình hình thực hiện, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải, đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị kinh doanh hoặc đơn vị kinh doanh xây dựng phương án giá trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định.

Sau đó, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các quy định về giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải hiện hành trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Tài chính thông tin về kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay. Ảnh: Internet

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã kiến nghị bỏ quy định khung trần giá vé nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Tại cuộc họp về dự thảo Luật giá sửa đổi do Cục Quản lý giá tổ chức ngày 26/4, đại diện các doanh nghiệp hàng không tiếp tục có kiến nghị về các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Vào chiều 24/2, lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam cũng họp để bàn phương án tháo gỡ khó khăn tài chính trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.

Trước sự có mặt của đại diện Cục Hàng không, Vụ Vận tải, Ban Kinh tế Trung ương... các doanh nghiệp hàng không nêu ra bức tranh tối màu của toàn ngành, trước khi kết lại bằng đòi hỏi bỏ giá trần vé máy bay. Đơn cử ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết thời điểm điều chỉnh giá trần lần cuối cùng là năm 2015, đã cách đây 8 năm. Từ đó, hầu như năm nào các hãng bay cũng họp, phân tích yếu tố đầu vào thay đổi và xin điều chỉnh, nhưng giá trần vẫn đóng khung từ 2015 đến nay.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng trong dài hạn cần bỏ yêu cầu giá trần vé máy bay ra khỏi các quy định pháp luật do giá thành ấn định từ 2015 đến nay đã thay đổi. Trước mắt, có thể bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự quản lý giá trần của Nhà nước trên các đường bay chỉ có một hãng hàng không khai thác để tránh độc quyền.

Như vậy, đây không phải lần đầu tiên đề xuất bỏ trần giá vé máy bay nội địa được đưa ra. Nhiều lý do đưa ra cho rằng, giá trần là "vòng kim cô" nên cần được tháo gỡ để tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không. Ngược lại, không ít ý kiến lo ngại khi bỏ trần giá vé sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, có nguy cơ thao túng giá vé.

Liên quan đến giá trần, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tăng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không (trần giá vé máy bay) nội địa trung bình 3,75% so với mức hiện hành, từ quý II/2023. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có trần giá vé tăng từ mức 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng/lượt; đường bay từ 1.280 km trở lên có mức tăng cao nhất, từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng/lượt... Với mức điều chỉnh này, đường bay nhộn nhịp với tần suất khai thác cao nhất là TP.HCM - Hà Nội sẽ có mức trần 8 triệu đồng/lượt khứ hồi, chưa gồm thuế, phí.

Mai Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu