23:47 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ LĐTB&XH đề xuất hỗ trợ phụ nữ khó khăn, trẻ mồ côi do COVID-19

Phương Linh (tổng hợp) | 10:32 21/10/2021

(THPL) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng nguồn lực thực hiện khoảng hơn 127 tỷ đồng.

Đây là nội dung dự thảo tờ trình ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ.

Theo Bộ LĐTB&XH, đợt dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 7 đến nay tại các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội và một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã tác động nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội nước ta.

Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Nhóm phụ nữ mang thai, mới sinh con, nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tìm kiếm việc làm cũng như trong quá trình di cư nhằm đối phó với dịch bệnh. Theo thống kê sơ bộ, số phụ nữ sinh con và đang mang thai là F0 hiện tại khoảng 1.700 người.

Đại dịch COVID-19 cũng làm tăng đột biến về dịch vụ y tế trong các đợt bùng phát dịch đã cho thấy những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ nữ nhân viên y tế tuyến đầu. Bên cạnh công việc chuyên môn, hầu hết các nữ y, bác sĩ vẫn phải đảm nhận công việc chăm sóc gia đình, nên việc tạm thời đóng cửa trường học và sự thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc thay thế đã tác động rất lớn đến họ, đặc biệt vào thời điểm bị quá tải công việc trong cơ sở y tế. Số phụ nữ là nhân viên y tế tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 lên tới gần 100 nghìn người.

Bộ LĐTB&XH đề xuất hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid-19. Ảnh minh họa

Theo báo Nhân dân, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đã gây ra những tác động nghiêm trọng nhất, khiến số ca tử vong tăng cao từ trước tới nay. Tính đến ngày 20/10/2021, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước ta là 21.416 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Số trẻ em mồ côi tập trung nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh (1.584 trẻ em) và một số tỉnh, thành phố phía nam (Bình Dương: 233 trẻ em, Đồng Nai: 121 trẻ em, Long An: 85 trẻ em; Đồng Tháp: 72 trẻ em; Tiền Giang 51 Trẻ em; An Giang: 35 Trẻ em).

Báo cáo từ Sở LĐTB&XH các địa phương cho biết, tính đến ngày 15/10, đã có 2.352 trẻ em chịu cảnh mồ côi do cha, mẹ bị tử vong do COVID-19. Trong số này, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là 73 trẻ em, mồ côi cha hoặc mẹ là 2.279 trẻ em. Thống kê sơ bộ cho thấy, số trẻ em mồ côi do mất cha, mẹ do nhiễm COVID-19 là khoảng 2.500 trẻ em.

Trước thực trạng trên, dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ với một số nhóm đối tượng sau:

Thứ nhất là lao động nữ bị nhiễm COVID-19, với điều kiện họ là lao động nữ đang mang thai hoặc sinh con trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2021 đến ngày 31/12/2021 được hỗ trợ một lần, với mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người. Ước tính, khoản kinh phí hỗ trợ nhóm này là 4 tỷ đồng, với khoảng 2.000 người.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ nữ nhân viên y tế tuyến đầu. Đối tượng là người có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, các chức danh nghề nghiệp khác đang công tác trong ngành y tế và học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (bao gồm cả lực lượng vũ trang hoặc y tế Trung ương và địa phương, người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) là nữ.

Nhóm này có trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp độ 3, 4 của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.

Mức hỗ trợ đề xuất là 1 triệu đồng/người, áp dụng một lần bằng tiền. Dự kiến, kinh phí dành cho 100 nghìn người là 100 tỷ đồng, trích từ ngân sách Trung ương.

Dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do cha, mẹ qua đời trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2021 đến ngày 31/12/2021 vì nhiễm COVID-19. Với nhóm này, có hai mức hỗ trợ. Cụ thể, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ được hỗ trợ một lần 20 triệu đồng/em. Trẻ em mồ côi cha/hoặc mẹ được hỗ trợ một lần 5 triệu đồng/em.

Bộ LĐTB&XH cũng nêu rõ, hiện nay, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ không có nguồn nuôi dưỡng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021.

Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em mồ côi do COVID-19 là nhóm trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài quy định chung đối với các trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, chính sách này được thực hiện cùng với chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chương trình “Nối vòng tay thương” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.

Dự kiến, số kinh phí dành cho chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi này là 14,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí dành cho nhóm trẻ em mồ côi cả cha và mẹ là khoảng 1,6 tỷ đồng. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ là khoảng 12,5 tỷ đồng. Ngân sách lấy từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, áp dụng với các Mẹ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng. Mức hỗ trợ một lần bằng tiền 2 triệu đồng mỗi Mẹ. Dự kiến, số kinh phí dành cho 4.615 Mẹ là 9,23 tỷ đồng, trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương

Tổng nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên khoảng 127,33 tỷ đồng. Trong đó, từ Ngân sách Trung ương: 104 tỷ đồng, từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: 14,1 tỷ đồng, từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương 9,23 tỷ đồng.

Theo TTXVN đưa tin, trước đó nhằm hỗ trợ kịp thời cho trẻ em bị mồ côi do COVID-19, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 với mức 1 triệu đồng/trẻ; hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/trẻ. Đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,78 tỷ đồng cho 1.556 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 và 124 triệu đồng cho 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã có quy định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em là F0, F1 với 80.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 1 triệu đồng/trẻ em. Người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi.

Tính đến ngày 15/10, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg các tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ tiền ăn cho 551.600 người lớn và trẻ em là đối tượng F0, F1 với kinh phí là 331,1 tỷ đồng và 15.900 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em. Có 5.650 người lao động mang thai và 127.590 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động  nhận được hỗ trợ bổ sung với với mức 1 triệu đồng/người.

Phương Linh (tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu