00:08 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GTVT huy động toàn lực bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả sau bão

Tú Chi (T/h) | 13:18 16/09/2024

(THPL) - Bão số 3 đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, nhiều tuyến đường ách tắc, sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng diễn ra ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các cảng hàng không, cảng biển đều đã hoạt động trở lại bình thường.

Với đường sắt, đến 16h30' ngày 14/9, các tuyến đường sắt phía Bắc đã thông đường, riêng tuyến Yên Viên - Lào Cai vẫn đang phong tỏa các khu gian từ Đoan Thượng - Lào Cai (Km140+530 - Km293+560) để các đơn vị khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra.

Với đường thủy nội địa tại các địa phương gồm Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên có 10/763 cảng, bến đã hoạt động trở lại. Các cảng bến chưa hoạt động dự kiến sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại tại cảng, bến.

Các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương còn 98/155 cảng, bến chưa hoạt động. Thời gian dự kiến hoạt động trở lại sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn.

Ở lĩnh vực đường bộ, thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc có 4.177 vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).

Trên các tuyến quốc lộ đã có 820 vị trí bị tắc, trong đó có 567 vị trí tắc do sạt lở, hư hỏng công trình, hiện đã khắc phục được 555 vị trí để thông xe; 253 vị trí tắc đường do ngập nước, hiện nay nước đã rút và đã khắc phục để thông xe 246 vị trí. Hiện Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.

Điểm sạt lở ta luy dương gây tắc đường tại Km9 +620, Quốc lộ 4H. Ảnh: TTXVN.

Về thiệt hại do sạt lở, lũ quét tại làng Nủ - Bảo Yên - Lào Cai (sáng 10/9), Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các đơn vị đường bộ huy động lực lượng, thiết bị, phối hợp với các lực lượng của địa phương triển khai khắc phục ngay các điểm sạt, trượt, thông tuyến để mở đường cho các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường trong thời gian sớm nhất.

Để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam hỗ trợ cấp rọ thép với số lượng 15.500 rọ cho 7 tỉnh gồm: Yên Bái (5.000), Lào Cai (3.000), Cao Bằng (2.500), Hà Giang (1.500), Bắc Kạn (1.500), Lai Châu (1.000), Điện Biên (1.000).

Nhằm tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư còn bị cô lập, các trục giao thông chính.

Các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các đơn vị quản lý đường sắt thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập nước, đá rơi, đất sụt... để kịp thời có phương án ứng phó hoặc dừng chạy tàu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình; tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ để đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các đơn vị hàng hải, đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác tại địa phương trong công tác cứu nạn, tìm kiếm người còn đang mất tích trên biển do bão số 3 gây ra.

Trước đó, ngay khi nhận được các thông tin về cơn bão số 3 và các công điện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Bộ GTVT đã chủ động, quyết liệt triển khai công tác phòng chống lụt bão tới tất cả các cơ quan, đơn vị của bộ nhằm ứng phó hiệu quả với cơn bão, giảm thấp nhất thiệt hại đối với tài sản và các cơ sở vật chất của ngành. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão ứng phó, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra với phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ khi có thông tin về bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời nắm bắt thông tin, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu