22:04 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GTVT đối thoại, gỡ khó cho các nhà xe phải điều chỉnh luồng tuyến

| 21:16 01/03/2017

(THPL) – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp tháo gỡ vướng mắc cho các nhà xe trong buổi đối thoại trực tiếp chiều ngày 01/03.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 1/3, Bộ GTVT chủ trì cuộc đối thoại với các doanh nghiệp nằm trong diện được điều chuyển luồng tuyến tại bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đại diện Bộ GTVT chủ trì buổi đối thoại, ngoài ra còn có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cùng đại diện các Sở, Ban, ngành tham dự.

Toàn cảnh buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải sau khi thực hiện lệnh điều chuyển luồng tuyến xe khách.

Ông Nguyễn Sơn La, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La, chuyên tuyến Thái Bình - Hà Nội cho biết: “Đơn vị chúng tôi đã thực hiện việc điều chuyển từ Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm theo đúng chỉ đạo. Tuy nhiên, sau khi về Nước Ngầm thì xe không có khách, dẫn đến việc doanh nghiệp lỗ vốn, chúng tôi đã vô cùng khó khăn. Không nói đến việc giá bến bãi cao hay thấp nhưng việc quan trọng nhất là không có khách, kể cả ngày lễ, tết. Trải qua 60 ngày từ khi có lệnh điều chuyển, tôi khẳng định 100% các doanh nghiệp đều lỗ vốn, đều đặn chúng tôi phải trả lương nhân viên, đóng phí cầu đường, vẫn phải báo cáo tài chính, … từ đó dẫn đến nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp”.

Đại diện cho các doanh nghiệp tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Văn Thạc, Giám đốc Công ty Vận tải Nam Trực, Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Nam Định cũng bày tỏ nhiều khó khăn từ phía doanh nghiệp sau khi thực hiện lệnh điều chuyển. Ông Thạc nêu ra một số lý do khiến doanh nghiệp lao đao. Một trong số đó là việc có quá nhiều xe dù, bến cóc xung quanh bến xe Mỹ Đình và dọc tuyến đường vành đai 3.

Đại diện một số doanh nghiệp khẳng định việc dẹp nạn xe dù, bến cóc là điều không thể, bởi lực lượng của cơ quan chức năng còn mỏng, mà lượng khách có nhu cầu dọc tuyến đường này quá lớn, dẫn đến việc xe dù, bến cóc sẽ bất chấp xử phạt để đón khách giữa đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi đối thoại

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp. Ông cho biết xe hợp đồng, “xe dù, bến cóc” thực tế đang quản lý quá kém, nên hành khách thấy thuận lợi là sẽ đi, đặc biệt trong quá trình điều chuyển gấp gáp, xe kết nối giữa 2 bến chưa có mà chủ yếu dựa vào xe buýt. Thứ trưởng Trường cho biết, sẽ kiên quyết xóa xe hợp đồng bằng cách tạm dừng cấp phép xe hợp đồng, nếu vi phạm thì thu hồi phù hiệu và phải có xe kết nối giữa các bến.

Ông Nguyễn Sơn La - Giám đốc Công ty TNHH Mạnh La (Thái Bình) phát biểu tại buổi đối thoại

Theo ông Trần Hữu Quảng, đại diện Công ty vận tải hành khách Hà Sơn Hải ở Thanh Hóa, đại diện nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Mỹ Đình (Hà Nội) thì cho rằng Sở GTVT đã vội vàng khi ra văn bản chỉ đạo cũng như chưa kiểm tra thực tế sau khi lệnh điều chuyển luồng tuyến có hiệu lực. "Chúng tôi đề nghị chỉ đạo các ngành kiểm tra, triệt phá xe dù bến cóc. Sau 2 tháng điều chuyển thì ở Thanh Hóa có đến hơn 100 xe khách trá hình tuyến Thanh Hóa – Hà Nội. Ngoài ra, chưa có cơ sở khẳng định việc ùn tắc là do xe khách chạy xuyên tâm thành phố gây ra mà do quy hoạch đô thị, nhiều nhà cao tầng...”.

Sau khi nghe các doanh nghiệp trình bày ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp: “Việc khó khăn của các doanh nghiệp sau khi điều chuyển là điều khó tránh khỏi, Bộ GTVT sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các doanh nghiệp trong buổi đối thoại ngày hôm nay cũng như toàn bộ ý kiến từ những lần đối thoại trước và sẽ tập hợp để trình Thủ Tướng” .

Đại diện Bộ GTVT cũng đưa ra một số giải pháp góp phần tháo gỡ những vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, Bộ giao cho Tổng Cục đường bộ cùng với Sở GTVT Hà Nội khảo sát thực tế tại 2 bến xe Mỹ Đình và Nước Ngầm để nắm bắt được tình hình hoạt động cũng như lượng khách của các nhà xe sau khi được điều chuyển, từ đó có được số liệu khách quan nhất.

Đối với hiện tượng “xe dù, bến cóc”, Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông cũng như đề nghị Cục CSGT chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm toàn bộ xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên xung quanh bến xe Mỹ Đình và dọc tuyến Vành đai 3 đến bến xe Nước Ngầm. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải rà soát pháp nhân bến xe Nước Ngầm, công khai minh bạch về giá thu phí ở mức hợp lý nhất bằng các quyết định của thành phố, làm sao tổng thu các chi phí không vượt bến cũ Mỹ Đình.

Để giải quyết tình trạng khó khăn của hành khách trong quá trình di chuyển xuống bến Nước Ngầm, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục giao cho Tổng công ty Vận tải bố trí tuyến xe xe buýt liên kết giữa bến Mỹ Đình và Nước Ngầm. Giá vé chỉ bằng giá xe buýt đi trong nội thành.

Bộ GTVT cũng như UBND thành phố Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp có kiến nghị, phản ánh, thậm chí tố cáo, đều phải chấp hành theo đúng trình tự của pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng như vừa qua.

 Thùy Linh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu