09:11 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bí quyết "bỏ túi" để nhận biết nhanh thịt lợn chứa chất cấm

16:51 30/12/2016

(THPL) - Thực tế hiện nay, việc các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng và đang trở thành điểm nóng bức xúc trong xã hội. Khi ăn phải thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người.

Hiện có một số loại hóa chất thường được dùng để kích nạc, tạo màu cho vật nuôi như Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin... đang được một số cơ sở chăn nuôi lén lút sử dụng. Các chất này khi bổ sung trong thức ăn làm cho phần cơ bắp (mông, đùi) rất chắc, nổi rõ, tỷ lệ thịt nạc tăng, thịt có màu đỏ và đẹp.

Hành vi sử dụng các chất cấm trên là trái pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, tạo hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến những cơ sở chăn nuôi chân chính nói riêng và ngành chăn nuôi trong nước nói chung.

Khi ăn phải thịt chứa một trong số các chất nói trên, về lâu dài có thể gây ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Các chất này được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu.

Những hậu quả từ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. (Ảnh minh họa: Internet)

Thực tế, người tiêu dùng có thể nhận biết thịt lợn có sử dụng chất cấm bằng mắt thường qua một số đặc điểm sau:

1. Lớp mỡ mỏng, lỏng lẻo (thông thường lợn có sử dụng chất cấm để tạo nạc nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1 cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 – 2 cm);
2. Thịt có màu đỏ khác thường, sáng, bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da; khi thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2 – 3 ngón tay thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn hoặc dùng tay ấn vào miếng thịt thấy miếng thịt không trở về hình dạng ban đầu (do có độ đàn hồi kém);
3. Liên kết giữa phần nạc và mỡ tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra; khi nấu thịt bị ra nước, có mùi hôi.

Đây là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết thịt lợn có sử dụng chất cấm.

Theo Điều 36, Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi:

Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ; từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại. Riêng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi: bị phạt tiền từ 70 – 100 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 1-3 tháng và tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm.

Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ; buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm; tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm.

Vì vậy, người chăn nuôi tuyệt đối không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng thời, khi phát hiện các cơ sở chăn nuôi; cơ sở sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm cần báo cho cơ quan quản lý nhà nước như Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường để xử lý kịp thời các trường hợp sai phạm.

Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 và Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy định 27 hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Theo các Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 04/9/2014 và Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2015,  quy định 27 hóa chất nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng. (Ảnh minh hhoaj: Internet)

Cụ thể tên các hóa chất, kháng sinh: 
Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Chloramphenicol, Diethylstilbestrol (DES), Dimetridazole, Fenoterol, Furazolidon và các dẫn xuất nhóm Nitrofuran, Isoxuprin, Methyl-testosterone, Metronidazole, 19 Nor-testosterone, Ractopamine, Salbutamol, Terbutaline, Stilbenes, Trenbolone, Zeranol, Melamine (Với hàm lượng Melamine trong thức ăn chăn nuôi lớn hơn 2,5 mg/kg), Bacitracin Zn, Carbadox, Olaquidox, Vat Yellow 1 (tên gọi khác: flavanthrone, flavanthrene, sandothrene), Vat Yellow 2 (tên gọi khác: Indanthrene), Vat Yellow 3 (tên gọi khác: Mikethrene), Vat Yellow 4 (tên gọi khác: Dibenzochrysenedione, Dibenzpyrenequinone), Auramine (tên gọi khác: yellow pyoctanine; glauramine).

Trong đó các chất kích thích tăng trọng chiếm tỉ lệ lớn gồm 2 nhóm chính là nhóm β2-agonist và nhóm các steroid; nguy hiễm nhất là nhóm β2-agonist.

Đại Lộc

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu