11:11 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

“Bệnh viện của thần gió” giữa lòng Thủ đô

09:43 15/10/2023

(THPL) - Suốt 30 năm qua, người dân trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã gọi cửa hàng sửa chữa, phục chế đồ cổ của ông Đinh Văn Dũng là “bệnh viện của thần gió”. Những chiếc quạt cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi qua thời gian cũng được ông đưa về “nguyên bản”.

Ông Dũng cho biết, mình chỉ là người thợ yêu cái nghề phục chế quạt cổ, ấy vậy mà ở Hà thành người ta lại đặt cho ông thêm một danh xưng “ông trùm quạt cổ”. Bởi ngày qua ngày, ông vẫn không ngơi nghỉ việc “gọi hồn” cho những chiếc quạt tưởng như đã trở thành sắt vụn.

Cửa hàng nhỏ chừng 20m2 nhưng chỉ có quạt là quạt, dường như quạt là thứ có giá trị nhất và cũng là đồ vật được ông Dũng trân trọng nhất. Cả một “bảo tàng” quạt của ông là một quá trình tìm kiếm, mua lại từ những người đồng nát, ve chai. Tất cả đều được bài trí khá khoa học và gọn gàng, tạo dựng được nét dáng, không gian xưa cũ thích hợp cho thú sưu tầm quạt cổ của người Hà Thành. 

Ông Đinh Văn Dũng được gọi là “ông trùm quạt cổ”
Căn phòng nhỏ nhà ông Dũng bày trí rất nhiều quạt cổ 

Từ những năm 90, ông đã bén duyên với nghề sửa chữa quạt cổ khi trở thành dân buôn bán quạt điện. Từ đó, niềm đam mê với nghề “mua của người chán - bán cho người cần” - chơi, phục chế quạt cổ như đã "ngấm sâu vào máu" của ông. Tại cửa hàng của ông có rất nhiều quạt cổ từ nhiều hãng sản xuất quạt có tiếng như Éon, Calor của Pháp, Émi của Hà Lan, General và America của Mỹ. Tuy nhiên, quạt Marelli của Italy vẫn được ưa chuộng nhất vì đây là “vua của các loại quạt”.

Chính nhờ những chiếc quạt mà ông Dũng có thể am hiểu thêm và lịch sử của đất nước sản xuất ra chiếc quạt đó. Theo ông Dũng, mua được quạt cũ là 1 chuyện nhưng phục hồi lại nguyên bản không phải điều đơn giản, đặc biệt phụ thuộc rất lớn vào người thợ. 

Ông lý giải: “Nếu không phải là người am hiểu hết giá trị lịch sử của những chiếc quạt thì không thể "chữa bệnh" được cho chúng. Ví dụ, chiếc quạt Pơgiô gắn liền với thời kỳ người Pháp xâm lược, rồi quạt EMJ của Hà Lan gắn liền với thời kỳ người Hà Lan vào Việt Nam… hay đơn giản hơn là chiếc quạt tai voi của Liên Xô cũ gắn liền với thời kỳ Liên bang Xô Viết còn tồn tại và rất nhiều du học sinh nước ta sang đó học tập…”.

Chân tay của ông Dũng chẳng bao giờ thấy không lấm lem sơn màu, dầu mỡ nhưng ông Dũng vui lắm. Vì có những chiếc quạt không còn nguyên vẹn, có chiếc còn cũ kỹ và han gỉ nên ông lại bôn ba khắp nơi tìm từng bộ phận của quạt, từ con ốc vít, cánh quạt cho đến mô tơ cho đủ bộ, đúng chủng loại.  

Ông Dũng giúp chúng tôi hiểu thêm về giá trị lịch sử của từng chiếc quạt cổ 
Từ "cục sắt rỉ" mà nhiều chiếc quạt cổ lại được ông Dũng sửa chữa như mới.
Theo ông Dũng, mua được quạt cũ là 1 chuyện nhưng phục hồi lại nguyên bản không phải điều đơn giản, đặc biệt phụ thuộc rất lớn vào người thợ. 

Ông Dũng chia sẻ thêm: “2 công đoạn trong phục chế và sửa chữa quạt là hoàn toàn khác nhau. Chỉ cần thay một chi tiết nhỏ nhất bằng kỹ nghệ thì coi như chiếc quạt bị bỏ đi, không còn vẻ đơn sơ, tính cổ mà đó chỉ là sửa quạt thông thường”.

Từ chỗ cục sắt rỉ mà nhiều chiếc quạt cổ lại ông Dũng sửa như mới. Một chiếc quạt từ theo tình trạng “sức khoẻ” mà "bác sĩ" Dũng sẽ tính được thời gian phục chế. Có chiếc mất 2 ngày, cũng có chiếc phải mất vài tuần, chiếc nào khó thì phải cả tháng. Do đó, tiền công phục chế cũng có giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng và dân sưu tầm quạt cổ vẫn chấp nhận bỏ tiền để được sở hữu món đồ ưng ý. 

“Làm cho quạt sống lại là một chuyện, để quạt bền trong suốt hàng chục năm, vẫn giữ được nét thẩm mỹ nghệ thuật mới quan trọng”, ông Dũng bày tỏ. Có thể thấy, qua đôi bàn tay tài hoa của ông Dũng, đống sắt vụn hàng chục năm tuổi lại chạy êm ru, mát lạnh như xưa. Việc khám bệnh cho quạt cổ không chỉ mang lại giá trị tinh thần, mà còn là văn hoá, thẩm mỹ nghệ thuật. Nhiều năm trở lại đây, khi thú chơi quạt cổ tìm được chỗ đứng cho riêng mình, các khách sạn, nhà hàng, biệt thự cổ mở ra đều có quạt cổ trong không gian ấy.

Hào Hiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu