20:42 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bất chấp dịch Covid-19, thị trường xe đạp vẫn sôi động

18:59 21/06/2021

(THPL) – Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các trung tâm thể dục, thể thao đóng cửa, nhiều người dân đã tìm đến xe đạp như một phương án cho việc vừa có thể hoạt động thể chất, lại vừa đảm bảo khoảng cách với những người tham gia giao thông khác.

Được biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành nghề và hoạt động mua bán bị đình trệ. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại, không tập trung nơi đông người và các phòng tập thể thao đóng cửa đã khiến nhu cầu sử dụng xe đạp tăng vọt, thậm chí một số đại lý bán xe đã có thời điểm liên tục cháy hàng.

Báo VTV News đưa tin, dọc các cửa hàng xe đạp trên phố Bà Triệu, việc mua bán diễn ra khá sôi động, thậm chí có nhiều mẫu xe luôn cháy hàng. Tại cửa hàng của anh Tú (quản lý Cửa hàng xe đạp Khánh Hiệp), nhiều mẫu xe mới bóc ra và lắp ráp, chưa kịp bày lên đã có người đặt mua, doanh số bán tăng trưởng từ 150 - 200% so với thông thường. Các mẫu xe bán chạy nhất tập trung ở phân khúc giá từ 4 - 5 triệu đồng.

Còn theo anh Hoàng Trung Phong, Giám đốc kinh doanh của Công ty CP Thống nhất Hà Nội chia sẻ, từ sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường xe đạp trở nên sôi động. Đối tượng mua xe không chỉ tập trung ở lứa tuổi học sinh mà mở rộng ở mọi lứa tuổi. Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng khoảng 10-20%, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi từ vài triệu cho đến chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

Bất chấp dịch bệnh, thị trường xe đạp vẫn sôi động (ảnh minh họa)

Không chỉ các đơn vị phân phối, sức nóng của thị trường xe đạp cũng được nhiều doanh nghiệp nhận định là rất tiềm năng. Đặc biệt, dự báo sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe mở rộng hơn.

Theo đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết, năm 2020 đơn vị đã ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt trong mảng kinh doanh xe đạp, tiêu thụ xe đạp có thời điểm đã tăng khoảng 200% - 300% so với năm trước và sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh xe đạp cũng cho biết, dù có những thời điểm doanh số mặt hàng này tăng cao, nhưng dịch COVID-19 không phải là yếu tố chính kích hoạt thị trường xe đạp Việt Nam. Triển vọng bùng nổ của thị trường này đã được nhen nhóm trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, mà chưa hoàn toàn bứt phá là do thị trường xe đạp thiếu sự hiện diện của các chuỗi bán lẻ chuyên nghiệp, chủ yếu được vận hành bởi đa số các tiểu thương nhỏ lẻ.

Báo Công Thương cho hay, theo các chuyên gia nhận định, thị trường xe đạp Việt Nam có tiềm năng về dài hạn. Trong bối cảnh mới, khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân tăng, nhu cầu đạp xe tăng cường sức khỏe sẽ mở rộng, ngành xe đạp cũng sẽ phát triển theo. Xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn, các khu dân cư mới được xây lên, hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp cũng sẽ được thiết lập cùng với sự chú trọng của Chính phủ cho cuộc sống xanh.

Thêm vào đó, tắc nghẽn giao thông sẽ được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy sẽ giảm dần tại các khu trung tâm. Phương tiện đi lại quãng đường ngắn như xe đạp sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Các mạng lưới chia sẻ xe đạp dùng công nghệ và ngành xe đạp nói chung sẽ có ảnh hưởng tích cực. Những điều này cho thấy, thị trường xe đạp Việt Nam sẽ phát triển bùng nổ, định hướng cho lối sống xanh, phát triển kinh tế xanh một cách bền vững ở Việt Nam trong tương lai. 

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu