10:31 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Báo động tình trạng trẻ nhỏ bị viêm não Nhật Bản tăng vọt trong cả nước

| 09:04 30/06/2017

(THPL) – Bệnh viêm não Nhật Bản đang bước vào mùa cao điểm, nhiều trường hợp đã bị biến chứng nặng, liệt nửa người.

Không chỉ quá tải ở các bệnh viện (BV) Nhi phía Nam, bệnh viêm não Nhật Bản cũng đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc.

Tuy mới ở giai đoạn đầu của mùa dịch viêm não Nhật Bản (bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10) nhưng tình trạng bệnh nhi đến cấp cứu, điều trị, nằm thở máy tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM đang ở mức báo động. Thậm chí BV đã cho nằm 2-3 bé/giường nhưng vẫn còn khá nhiều bệnh nhi nội trú phải gửi từ khoa Nhiễm sang khoa Cấp cứu để nằm tạm.

Tình trạng quá tải bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM, dọc hành lang khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, tiếng khóc ngất của những đứa trẻ ba tuổi, năm tuổi náo loạn không gian chật hẹp. Cộng với đó là ánh nhìn bất lực của những người cha, người mẹ khi chứng kiến con mình mất trí nhớ gần như hoàn toàn, thậm chí có trẻ nằm bất động mà không làm gì được.

Còn tại các tỉnh phía Bắc, chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng bệnh nhi nhập viện do viêm não Nhật Bản tại khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương (Hà Nội) tăng bảy lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, có hai trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bị liệt nửa người, liệt tứ chi do chưa tiêm phòng bệnh và khi nhiễm bệnh thì cha mẹ không kịp thời phát hiện.

BS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết trên báo Giao thông, từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm BV Nhi T.Ư đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 6, đã có 21 trẻ nhập viện vì bệnh này.

Viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Trẻ mắc bệnh đa số do chưa tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm không đủ số mũi, rải rác trẻ có tiêm đủ mũi nhưng vẫn mắc bệnh do sức đề kháng kém”, BS. Lâm cho biết.

BS. Lâm cũng khuyến cáo, cần phát hiện sớm các dấu hiệu của viêm não Nhật Bản để tránh những di chứng đáng tiếc. Theo đó, bệnh thường khởi phát rất đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 độ C hoặc hơn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh, bệnh nhi đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn.

Với bệnh nhân phát hiện và điều trị muộn thường để lại di chứng nặng nề, như bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, chuyên gia khuyến cáo, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất. Cụ thể cần tiêm cho trẻ 2 lần cách nhau từ 7-14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, cần lưu ý ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt và tích cực diệt muỗi, bọ gậy.

Hùng Lâm (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu