08:16 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bánh gio Bắc Kạn - tinh tế hương vị núi rừng

09:18 16/07/2022

(THPL) – Bánh gio Bắc Kạn óng ánh màu hổ phách, dẻo dền, hòa quyện cùng mật mía ngọt ngào, tạo nên hương vị thơm mát đặc trưng khiến ai thưởng thức dù chỉ một lần cũng khó có thể quên.

Bánh gio là loại bánh dân dã, nhiều vùng nông thôn trên cả nước có món bánh này. Tuy nhiên, trước kia bánh gio chủ yếu được làm để ăn Tết, là món ăn “giải ngấy”, giúp tiêu hóa tốt sau những bữa cỗ Tết nhiều dầu mỡ. Nhưng hiện nay, bánh gio Bắc Kạn đã trở thành món ẩm thực được sản xuất, bán quanh năm, giúp cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Bánh gio tuy là loại bánh không nhân nhưng lại được làm khá cầu kỳ. Muốn bánh gio ngon phải có tro (gio) bếp “đẹp”. Người làm bánh sẽ chọn cây gỗ quế hoặc gỗ keo đốt thành gio trắng mịn, sau đó đem hòa với nước vôi theo tỉ lệ chính xác cho ra thứ nước tên gọi "nước gio". Nếu nước gio đậm thì thì bánh sẽ bị chát không ăn được, nước gio nhạt bánh sẽ nhão.

Bánh gio Bắc Kạn dẻo dền, óng ánh màu hổ phách

Gạo nếp nương trắng nõn dẻo thơm, không lẫn tạp chất sẽ được ngâm với nước gio, sau một đêm, hạt gạo ngậm nước căng mọng là lúc vớt ra, để ráo nước rồi gói bánh.

Nếu như bánh gio thông thường được gói bằng lá dong thì bánh gio Bắc Kạn được gói bằng lá chít tẻ mọc hoàn toàn tự nhiên. Lá chít vốn cứng và giòn, hái muộn lá chít sẽ héo quắt lại. Vì vậy, bà con phải lên rừng hái lá từ sáng sớm. Lá chít tươi khi lấy về được dùng khăn lau sạch, tận dụng luôn nước sôi của mẻ bánh trước để luộc sơ khiến lá chít trở nên mềm dẻo dễ gói.

Cuộn chiếc lá chít dài thành hình tam giác, người thợ khéo léo xúc một thìa gạo đổ vào trong rồi thoăn thoắt gập lá bao kín. Buộc vừa tay, không quá chặt hay quá lỏng bằng dây lạt, thế là những chiếc bánh gio xinh xắn, kích thước đều nhau tăm tắp được ra đời.

Bà con hái lá chít để gói bánh gio

Nồi nước đã sôi kỹ trên bếp than củi hồng rực là lúc cho bánh vào luộc. Trải qua 4-5 giờ đồng hồ lửa đượm, bánh gio chín tỏa hương thơm đặc trưng, bánh sẽ được vớt nóng rồi nhúng ngay qua nước lạnh. Như vậy, vỏ bánh sạch sẽ, khi bóc không dính lá.

Chiếc bánh gio thơm mát, óng ánh màu hổ phách, dẻo dền như miếng thạch, hòa quyện tinh tế từ những nguyên liệu của núi rừng, thiên nhiên. Khi thưởng thức sẽ chấm cùng mật mía màu cánh gián sóng sánh như mật ong, tạo nên món ăn thanh khiết, tốt cho sức khỏe. 

Nhờ khéo léo, chịu khó, nhiều hộ gia đình ở Bắc Kạn đã thoát nghèo, đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể nhờ chiếc bánh gio nhỏ bé được sản xuất theo hướng hàng hóa.

Chiếc bánh gio nhỏ bé góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhiều hộ gia đình ở Bắc Kạn

Điển hình như hộ gia đình chị Lường Thị Thuận (thôn Pác San I) từ một hộ nghèo, nhờ khéo léo chịu khó, hiện nay trung bình một tháng gia đình chị cung cấp cho thị trường các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… từ 30 đến 40 nghìn chiếc bánh gio, trừ chi phí mua gạo, lá, chất đốt và nhân công, mang lại thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng.

Chị Lộc Thị Chanh, sinh năm 1991, trú tại thôn Cốc Muổng, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn), từ hộ sản xuất nhỏ lẻ, chị mạnh dạn thành lập, làm Giám đốc Hợp tác xã bánh gio xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn). Trung bình mỗi ngày, HTX xuất ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh gio, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Nam. Cao điểm vào các dịp lễ, tết, HTX sản xuất đến 10.000 chiếc mỗi ngày. Thu nhập trung bình của mỗi xã viên từ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Để phát huy giá trị của đặc sản quê hương, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế, nhiều tổ phụ nữ đã được lập ra để dạy nhau cách gói bánh, cách bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội. Chính vì thế, bánh gio Bắc Kạn ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường, tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu