19:14 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bánh chưng làng Cát Trù – Duy trì và phát triển nét truyền thống văn hóa ẩm thực nơi Đất Tổ

Thắng Nguyễn | 09:08 05/02/2022

(THPL) - Thương hiệu Bánh chưng làng Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ không chỉ được biết đến vì sự thơm ngon, mà hơn thế, đây còn là một trong số ít làng bánh chưng lâu đời nhất trên đất Tổ còn duy trì và phát triển.

Bánh chưng làng Cát Trù – Duy trì và phát triển nét truyền thống văn hóa ẩm thực nơi Đất Tổ  

Phong tục làm bánh chưng mỗi dịp tết được người Việt gìn giữ và dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự hiếu kính đối với tổ tiên, đất trời. Và là món ăn đặc trưng dân tộc, không thể thiếu trong bữa cơm sum họp ấm áp của mỗi gia đình trong những ngày đầu năm mới.

Hiện nay có nhiều thương hiệu bánh chưng ở khắp các vùng miền trên cả nước, và mỗi vùng miền lại có những nét đặc trưng riêng. Trong số đó, thương hiệu bánh chưng làng Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ được biết đến không chỉ vì sự thơm ngon mà còn là một trong số ít làng bánh chưng lâu đời nhất trên đất Tổ còn duy trì và phát triển.

Nghề làm bánh chưng ở Cát Trù đã có từ rất lâu đời. Lâu đến nỗi những người làm bánh có thâm niên trong xã cũng không nhớ nổi. Trải qua những thăng trầm, biến cố, nghề làm bánh chưng ở Cát Trù cũng có nhiều thay đổi. Ngày nay số hộ gói bánh đã lên đến gần trăm hộ. Những ngày giáp tết cổ truyền của dân tộc, Làng Cát Trù lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, từ ngoài ngõ vào sân, trong nhà bạt ngàn màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo, màu vàng của đỗ.

Khâu chuẩn bị nguyên liệu là rất quan trọng, quyết định chất lượng thơm ngon của mỗi chiếc bánh chưng.

Điều làm nên nét khác biệt có lẽ nằm ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói. Bà Nguyễn Thị Ảnh, nghệ nhân nhiều lần đạt giải cao trong cuộc thi Gói Bánh chưng cho biết: “Phải chọn được loại gạp nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp Nhung, có hương thơm đặc trưng và không lẫn gạo tẻ. Thịt lợn phải là loại thịt ba chỉ của lợn sạch. Đỗ xanh cần phải có là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín như vậy nhân bánh mới thơm ngon.”

“Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay khi nấu bánh sẽ không được vuông vắn và nhão. Đặc biệt là lá dong, không được dùng lá non hoặc quá già, ảnh hưởng tới màu sắc của bánh.” Bà Nguyễn Thị Ảnh thông tin thêm.

Người Cát Trù không bao giờ gói bánh bằng khuôn nhưng vẫn vuông vức, đều rằn rặt. Xếp hai lớp lá rồi đong nguyên liệu, chuyền tay nhau gói, mỗi người một công đoạn.

Trước kia để được gói bánh chưng thường là các bậc chung niên, có kinh nghiệm. Còn các bạn trẻ thường chỉ làm ở những khâu hỗ trợ như rửa lá, vo gạo. Tuy nhiên, hiện nay việc gói bánh chưng cũng được các bạn trẻ yêu thích và được trao cơ hội tự tay gói nên mỗi chiếc bánh thơm ngon, cũng là một cách để góp phần xây dựng lòng tự tôn dân tộc và gìn giữ giá trị truyền thống của cha ông.

Em Hoàng Văn Ninh (24 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Em tự hào vì là con cháu Vua Hùng, đồng thời, gói bánh chưng là nghề truyền thống của gia đình em nên việc được tự tay làm nên những chiếc bánh này em cảm thấy rất vui”.

Có lẽ vì sự cầu toàn, tỉ mỉ trong từng khâu cùng với sự đặc biệt về giá trị truyền thống lịch sử của dân tộc mà bánh trưng Cát Trù được đông đảo mọi người tin dùng và là hương vị không thể thiếu trong những dịp quan trọng như cỗ bàn, cưới hỏi, quà biếu, lễ tết. Hi vọng trong thời gian tới,  bánh chưng Cát Trù sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần rạng danh Đất Tổ quê hương.

Thắng Nguyễn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu