04:06 ngày 20/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bàn về sự đồng bộ giữa đào tạo - hướng nghiệp - thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh đại học từ năm 2025

14:44 15/10/2024

(THPL) - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Thông tư này sẽ bãi bỏ Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021, Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 và Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 06/3/2024. Thương hiệu và Pháp luật xin đăng tải bài viết đóng góp ý kiến vào dự thảo của TS. Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô tại Hội thảo Minh triết giáo dục Hồ Chí Minh và Đổi mới giáo dục THPT Việt Nam - Góc nhìn từ cơ sở.

I. Đặt vấn đề.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 và cũng là năm đầu tiên các trường đại học tuyển sinh khóa học sinh đầu tiên tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 về việc phê duyệt “Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT ngày 8/3/2024 “Quy định về cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, công bố Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

TS. Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô

Trong Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “Về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025” đã nhấn mạnh: “Chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh”.

Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo: “Chúng ta đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông, tạo sự công bằng cho thí sinh trong cơ hội học tập”.

“Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”. (Báo Giáo dục và Thời đại, số đặc biệt cuối tháng 8/2024 - số 210 ngày 31/8/2024)

Như vậy vấn đề đặt ra là cần tạo cơ chế đồng bộ liên thông giữa phổ thông với đại học trong việc tổ chức đào tạo, hướng nghiệp, thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.

II. Đặc điểm cơ bản của Chương trình GDPT 2018.

Theo Luật Giáo dục 2019 (điều 28, 29) và Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT, Chương trình GDPT 2018 gồm 2 giai đoạn:

1. Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9:

Nhằm cung cấp “học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp” (Luật Giáo dục 2019, điều 28, 29). Giáo dục tiểu học là Giáo dục bắt buộc, Giáo dục THCS là Giáo dục phổ cập (Luật Giáo dục 2019, điều 14).

2. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12:

Nhằm “hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động xây dựng bảo vệ Tổ quốc” (Luật Giáo dục 2019, điều 28, 29). Đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp sớm từ lớp 10. 

Mỗi học sinh THPT được học tập với nội dung sau:

● 6 môn học bắt buộc + 2 hoạt động giáo dục bắt buộc + 4 môn học lựa chọn + 3 cụm chuyên đề lựa chọn (tổng 9 chuyên đề) + Môn học tự chọn (nếu học sinh có nguyện vọng).

● Như vậy, việc lựa chọn môn học và lựa chọn các cụm chuyên đề dẫn tới chương trình học tập của học sinh rất đa dạng. Đây chính là mục đích của Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp tương lai trong xã hội. Đây cũng chính là điểm mới nổi bật nhất của Chương trình GDPT 2018. 

Để thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 cần giải pháp đồng bộ: Đào tạo – Hướng nghiệp → Thi TN THPT → Tuyển sinh ĐH,CĐ

 III. Nhìn lại lịch sử thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học

1.Từ 1976 - 1980 miền Nam thực hiện GD 12 năm cấp III (THPT) phân ban:

      - Ban A (Văn, Sử, Địa)                  - Ban C (Toán, Lý)

      - Ban B (Văn, Ngoại ngữ)             - Ban D (Hóa, Sinh)

   Thi TN theo từng ban

      - Ban A (Toán, Văn, Sử, Địa)

      - Ban B (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sử)

      - Ban C (Toán, Văn, Lý, Hóa)

      - Ban D (Toán, Văn, Hóa Sinh)

Các ban đều thi Toán, Văn nhưng mức độ khó, dễ khác nhau tùy theo từng ban.

 2.  Từ 1976 – 2014: HS cả nước thi vào đại học theo 4 khối

    - Khối A (Toán, Lý, Hóa)      - Khối C (Văn, Sử, Địa)

    - Khối B (Toán, Hóa, Sinh)   - Khối D (Toán, Văn, Ngoại ngữ)

Ở giai đoạn này thí sinh khối C chiếm tỷ lệ thấp do nghề nghiệp liên quan đến khối thi này ít hơn khối thi khác. Hiện nay tỷ lệ HS thi TN tổ hợp các môn XH chiếm 64%, tổ hợp các môn TN chiếm 36%. Đây là cảnh báo cho việc không đồng bộ giữa thi TN với tuyển sinh ĐH cần được quan tâm giải quyết. 

3. Từ 2015 - 2018: Kỳ thi TN THPT Quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH (sát nhập 2 kỳ thi TN THPT với thi ĐH = Kỳ thi 2 trong 1).

 4. Từ 2019 - 2024: Kỳ thi TN THPT theo Chương trình GDPT 2006 với mục đích chính là xét TN và làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH.

 5. Từ 2025: Kỳ thi TN THPT theo Chương trình GDPT 2018 (hướng nghiệp sớm, sâu từ lớp 10) với mục đích chính là xét TN và làm cơ sở cho tuyển sinh ĐH.

DỰ THẢO QUY CHẾ THI TN THPT TỪ 2025

(Tóm tắt một số điểm chính)

1. Mục đích:

- Xét công nhận tốt nghiệp THPT

- Cung cấp dữ liệu có độ tin cậy cho tuyển sinh ĐH, CĐ

2. Giảm môn thi:

        - 6 môn → 4 môn ( Toán, Ngữ văn, bài thi tự chọn 2 môn)

3. Tăng tổ hợp môn thi:

2 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, GDKTPL, Ngoại ngữ, Tin học, CN – Nông nghiệp; CN – Công nghiệp. Tạo thành 36 tổ hợp môn thităng áp lực cho công tác tổ chức thi trên phạm vi cả nước với hơn 1 triệu thí sinh.   

4. Giảm thời gian thi:

        - 4 buổi thi → 3 buổi thi

5. Đề thi bổ sung thêm 2 dạng câu hỏi trắc nghiệm

   - 4 lựa chọn (cũ)      - Đúng/sai      - Trả lời ngắn

6. Tăng cường tính phân hóa của đề thi đề thi khó hơn

7. Xét công nhận TN: Kết quả học tập lớp 10,11,12 = 50% + kết quả thi = 50%đánh giá toàn diện năng lực của học sinh cả 3 năm THPT.

8. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữtheo quy định được miễn thi môn ngoại ngữ nhưng không được quy thành 10 điểm trong xét công nhận TN như hiện nay.  

IV. Phương án đồng bộ liên thông giữa đào tạo - hướng nghiệp - thi tốt nghiệp THPT - xét tuyển đại học.

IV.1. Nội dung phương án.

Để đạt được mục tiêu kết quả thi tốt nghiệp vừa đánh giá chất lượng GDPT vừa tạo cơ sở cho việc xét tuyển của các trường ĐH thì phải kết nối đồng bộ liên thông giữa việc tổ chức đào tạo ở THPT - hướng nghiệp - thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Sau đây là gợi ý cho cơ chế này (phương án đề xuất)

 Phương án Tổ chức đào tạo - Hướng nghiệp - Thi tốt nghiệp - Xét tuyển ĐH.

 Các trường đại học và phổ thông cần phối hợp đồng bộ để định hướng chọn nghề cho học sinh ngày từ đầu lớp 10

IV.2. Điều kiện để thực hiện phương án:

1. Các trường ĐH nên lựa chọn Tổ hợp môn xét tuyển truyền thống A (Toán, Vật lý, Hóa học); B (Toán, Hóa học, Sinh học); C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ)- Đây là 4 tổ hợp phổ rộng đáp ứng nhu cầu đào tạo các lĩnh vực KHTN, kỹ thuật, Công nghệ / Khoa học kinh tế / Khoa học sức khỏe/ KHXH - nhân văn / Khoa học về sinh ngữ.

Lịch sử giáo dục Việt Nam hàng chục năm qua đã cho thấy 4 tổ hợp truyền thống này là hợp lý, phản ánh những yêu cầu tối thiểu, cơ bản để chọn các ngành nghề ở bậc đại học theo phổ rộng.

Trong từng lĩnh vực chuyên ngành hẹp có thể đặt yêu cầu cao hơn về một môn học nào đó. Ví dụ:

- Nếu tuyển vào Sư phạm Toán/ Cử nhân Toán có thể môn Toán lấy hệ số 2.

- Nếu tuyển vào Sư phạm Hóa/ Cử nhân Hóa có thể môn Hóa học lấy hệ số 2.

- Nếu tuyển vào Sư phạm Sử/ Cử nhân Sử có thể lấy môn Lịch sử hệ số 2.

- Nếu tuyển vào nhóm ngành sức khỏe - đào tạo bác sỹ môn Sinh học lấy hệ số 2

- Nếu tuyển vào nhóm ngành sinh ngữ - môn ngoại ngữ lấy hệ số 2

2. Ngoài 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) các môn tự chọn nên là các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thuộc lĩnh vực KHTN và các môn Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, GDKTPL thuộc lĩnh vực KHXH. Với các môn học này có thể hình thành 4 tổ hợp thi tốt nghiệp (A: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học; B: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Sinh học; C: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; D: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, GDKTPL) tương ứng với 4 khối thi ĐH truyền thống A (Toán, Vật lý, Hóa học); B (Toán, Hóa học, Sinh học); C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ)

Thí sinh chọn 1 trong 4 tổ hợp trên để dự thi. Các môn thi độc lập có giá trị ngang nhau, không ghép 2 môn thi thành 1 bài thi tổ hợp.

 IV.3. Ưu điểm của phương án:

1. Số tổ hợp môn thi tốt nghiệp chỉ còn 4 tổ hợp (A: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học/ B: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Sinh học/ C: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý/ D: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, GDKTPL) tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi gọn nhẹ, không gây áp lực cho công tác tổ chức; tránh lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của xã hội.

Nếu theo phương án trong Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp là 36 tổ hợp thì việc tổ chức thi, chuẩn bị đề thi sẽ rất phức tạp, khó khăn khi triển khai thực tế cho hơn 1 triệu học sinh cả nước.

2. Kế thừa phương thức thi tốt nghiệp các giai đoạn trước.

Phương án này kế thừa phương án thi tốt nghiệp những năm qua là thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (Lịch sử, Địa lý, GDCD) và kế thừa phương án thi tốt nghiệp với 4 ban của các trường THPT ở miền Nam giai đoạn 1976-1980.

3. Các trường THPT có điều kiện tổ chức học tập – hướng nghiệp cho học sinh có trọng điểm, đảm bảo chất lượng thi tốt nghiệp.

4. Các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển có nguồn tuyển sinh phong phú hơn, công tác tuyển sinh cũng gọn nhẹ hơn, chất lượng, hiệu quả hơn. Giải tỏa bất cập hiện nay về không cân xứng giữa nguồn tuyển sinh KHTN và KHXH (hiện nay đang lệch về KHXH, trong khi nhu cầu cần nhiều về KHTN).

5. Sự đồng bộ, liên thông gắn kết hiệu quả của GDPT theo định hướng nghề nghiệp-khớp nối với tuyển sinh vào các trường ĐH theo phổ nghề nghiệp rộng tạo cơ hội thích ứng với sự biến đổi nhanh của các ngành nghề trong tương lai khi trí tuệ nhân tạo tác động sâu, rộng vào nền kinh tế và đời sống xã hội sẽ hình thành nhiều ngành nghề mới và mất đi những ngành nghề cũ.

V. Kết luận và kiến nghị.

Để thực hiện thành công phương án trên và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn xin đề nghị:

1. Trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT Bộ GDĐT đang xin ý kiến của xã hội cần chú ý tới việc xác định các tổ hợp môn tự chọn thi tốt nghiệp phù hợp với các tổ hợp môn xét tuyển ĐH và nhu cầu phát triển nghề nghiệp trong tương lai của học sinh và của xã hội, thu hẹp các tổ hợp môn thi tốt nghiệp để hạn chế tối đa khó khăn, phức tạp trong tổ chức thi tốt nghiệp trên phạm vi rộng cả nước và trên số lượng lớn hơn 1 triệu thí sinh. Trong Quy chế thi tốt nghiệp quy định cho học sinh được chọn 1 trong 4 tổ hợp để dự thi tốt nghiệp (A: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học; B: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Sinh học; C: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; D: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, GDKTPL). Việc làm này tương tự như trước đây học sinh được lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH.

2. Trong lần sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH sắp tới bên cạnh việc giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường ĐH. Bộ GDĐT nên có các quy định cụ thể định hướng cho các trường ĐH trong việc chọn tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với tổ chức đào tạo ở bậc phổ thông, duy trì ổn định 4 khối thi đại học truyền thống làm chủ đạo, đảm bảo tính đồng bộ liên thông của cả hệ thống giáo dục phổ thông-đại học. Việc sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT cần đồng bộ với Quy chế tuyển sinh ĐH để 2 Quy chế này tiếp nối liên thông tạo cơ sở cho sự phối hợp giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học trong công tác hướng nghiệp ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích cho người học, cho cơ sở đào tạo và làm cho cả hệ thống giáo dục phát huy được hiệu quả đào tạo, hiệu quả xã hội bền vững góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

TS. Võ Thế Quân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu