17:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bắc Giang: Nhà vườn bắt đầu thu hoạch vải thiều, giá khoảng 35.000 đồng/kg

Tú Chi (t/h) | 15:53 16/05/2024

(THPL) - Hiện nay, các thương lái tại huyện Tân Yên, Bắc Giang đã bắt đầu thu mua vải để xuất khẩu đi các thị trường. Trong đó, sớm nhất và nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Trước đó ngày 15/5, nông dân trồng vải ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên bắt đầu thu hoạch, đưa ra các điểm cân. Những thùng vải được chở bằng cả xe máy hay ô tô, tùy vào quy mô thu hoạch của chủ vườn.

Theo ông Ngô Văn Đại, nhà cân ở trung tâm xã Phúc Hòa cho biết, trong ngày 15/5, gia đình ông đã thu mua được 12 tấn vải sớm, đủ một xe container cho thương lái xuất đi Trung Quốc. Về chất lượng, vải sớm năm nay được đánh giá đồng đều, tương đương với các năm nhưng sản lượng tại Tân Yên có phần nhỉnh hơn, chưa kể giá thu mua lại cao đáng kể so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp Bắc Giang, do có vùng tiểu khí hậu đặc biệt, vải ở Tân Yên năm nào cũng chín sớm, từ giữa tháng 5 đã cho thu hoạch, trong khi đó những khu vực khác như Lục Ngạn phải đến tháng 6 mới chín rộ.

Vải chín sớm được thu hoạch, mua tại vườn với giá dao động khoảng 35.0000 - 40.000 đồng/kg. Ảnh: Nông nghiệp VN

Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bắc Giang cho biết: "Một số vườn vải chín sớm đã được người dân thu hoạch, mức giá thu mua tại vườn dao động khoảng 35.0000 - 40.000 đồng/kg. Vải chính vụ sẽ được thu hoạch trong khoảng 1 tháng tới. Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa quả vải đi xuất khẩu, dự kiến giá vải xuất khẩu năm nay sẽ tăng".

Huyện Tân Yên (Bắc Giang) năm nay có trên 1.300ha vải thiều. Là trung tâm vải sớm của huyện, xã Phúc Hòa có trên 700ha vải, trong đó trên 400ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 20ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng năm nay ước tính hơn 10.000 tấn. 

Để chủ động trong khâu tiêu thụ, các nhà vườn, tổ sản xuất và hợp tác xã (HTX) sớm kết nối, tìm đầu ra cho vải thiều. Thị trường xuất khẩu dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 7.000 tấn sang các nước EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc.

Nhiều vườn vải chín sớm tại Bắc Giang đã cho thu hoạch. Ảnh: Sở NNPTNN Bắc Giang

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vải là trái cây có giá trị kinh tế rất cao trong số cây trồng ở địa phương này. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định, giá vải tăng đều hàng năm. Năm 2023, sản lượng vải của Bắc Giang đạt trên 201.000 tấn, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ lập kỷ lục 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu trực tiếp từ quả vải trên 4.658 tỷ đồng, còn lại là các ngành dịch vụ phụ trợ.

Còn năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 100.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ giữa tháng 5; vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 - 30/7. Sản lượng vải chỉ còn 50% so với năm 2023, đồng nghĩa nông dân Bắc Giang thất thu, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Về thị trường xuất khẩu quả vải Việt Nam, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Hiện nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc là bạn hàng truyền thống đã chuẩn bị cho việc giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều tại H.Tân Yên và H.Lục Ngạn.

"Chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, thương hội quan tâm đến khảo sát, giám sát thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc", ông Tấn nói.

Theo kế hoạch đã ban hành,  cuối tháng 5, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm của huyện Tân Yên, triển khai đưa quả vải lên tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử. Sang đầu tháng 6, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn.

Hiện nay, trái vải thiều được tiêu thụ thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...), các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TP.HCM, Dầu Dây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng...), các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (GO, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon…), các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ...và trên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu