04:13 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

ADB dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022

15:49 06/04/2022

(THPL) - Ngày 6/4, theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023.

Cụ thể, theo báo cáo kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022 và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023 nhờ vào việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động thương mại; cũng như, tiếp tục thực hiện nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho biết, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mới đây đã cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khiến thị trường lao động bị thắt chặt và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.

ADB dự báo kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2022. Ảnh minh họa

Theo trang CafeF, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, sự phục hồi kinh tế có được nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao, các chính sách chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch.

Ngành công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lên 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng 2 so với mức 52,5 trong tháng 12/2021, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực chính tăng trưởng của GDP. Dự báo trong năm 2022, công nghiệp sẽ tăng trưởng 9,5% đóng góp 3,6 điểm % tăng trưởng GDP. Mức đóng góp của nông nghiệp và dịch vụ lần lượt là 0,3 và 2,3 điểm %.

Các chuyên gia của ADB nhận định, các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3 và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trong năm nay. Các hiệp định, chính sách đặc biệt chương trình ERDP sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo Quân đội nhân dân, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Tình trạng mắc COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu