21:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

90% người giúp việc ở Việt Nam chưa được đào tạo

| 21:24 29/11/2017

(THPL) - Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, có đến 90% người giúp việc chưa được đào tạo.

Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, có đến 90% người giúp việc chưa được đào tạo. Tình trạng thiếu kỹ năng và những hiểu biết pháp luật cần thiết đã khiến cho công việc thu hút một lượng lớn lao động này đang ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả 2 phía.

Theo báo điện tử VTV, hiện nay, các Trung tâm cung ứng người giúp việc chủ yếu là những đơn vị môi giới giữa người cần việc làm và người có nhu cầu. Rất hiếm trung tâm có đào tạo kỹ năng cho người giúp việc.

Bên cạnh đó, các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này đã chỉ ra gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi. 

giup_viec_gia_dinh
Ảnh minh họa

Theo báo Dân Việt, bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 98,6% lao động giúp việc gia đình là phụ nữ, độ tuổi trung bình là 44,8 tuổi, bình quân một lao động giúp việc gia đình có thời gian làm việc khoảng 11 giờ/ngày. Chính vì hạn chế trong trình độ nhận thức nên nhiều lao động giúp việc gia đình rất ngại phải tham gia các lớp đào tạo nghề, lo sợ phải ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc. 

Khi đã có chứng chỉ hành nghề, hoạt động giúp việc nhà trở thành một công việc chính thức và được bảo vệ. Sự tôn trọng những nguyên tắc trong công việc sẽ tránh được những rủi ro, mà đôi khi người gánh chịu lại là những em nhỏ không có khả năng tự vệ.

Ở các nước khác như Philippines, Hàn Quốc... người giúp việc gia đình phải kiểm tra, trước tiên là về thể chất. Trong khi đó, tại Việt Nam, do cầu vượt cung nên nhiều gia đình chấp nhận thuê cả giúp việc gia đình chưa được đào tạo hoặc không biết rõ lý lịch.

“Thường gia chủ tự tìm hoặc nhờ qua người khác giới thiệu nên không loại trừ nhiều người thuê phải những người giúp việc gia đình có bệnh lý truyền nhiễm, yếu tố sức khỏe tâm thần mà không biết. Do vậy, gia đình cần chọn lọc, tuyển chọn cẩn thận” – ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết.

Mới đây, trong hội thảo “Tham vấn về hợp đồng tiêu chuẩn đối với lao động giúp giúp việc gia đình tại Việt Nam”, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, lao động giúp việc gia đình không chỉ tăng cơ hội việc làm, trả công đối với một bộ phận lao động mà còn tạo ra việc chăm sóc người già, trẻ em, người khuyết tật một cách chuyên nghiệp và có chất lượng hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực lao động này đang tồn tại khá nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Tình trạng giúp việc gia đình không được bảo vệ, bị chặn lương, rồi người giúp việc gia đình trộm cắp, bạo lực… vẫn thường xảy ra. Nhiều giúp việc gia đình từ quê ra chưa được đào tạo, không có kỹ năng, làm việc hành xử theo kiểu tự phát đang làm đau đầu rất nhiều chủ nhà.

Ở Việt Nam, mặc dù hành lang pháp lý đối với giúp việc gia đình đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng trên thực tế phần lớn người sử dụng lao động cũng như người lao động chưa hiểu hết hoặc chưa nắm hết những quy định của pháp luật đối với lao động. Việc ký hợp đồng lao động chưa được đầy đủ, các nội dung trong hợp đồng cũng chưa rõ ràng.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, các quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động giúp việc gia đình đã ban hành nhưng thực thi chưa hiệu quả. Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu