Tại “thủ phủ” nuôi dê của tỉnh Bình Phước là huyện Bù Đốp, có rất nhiều hộ dân giàu lên nhờ nuôi dê, thì nay đang hết sức lo lắng, khi giá thịt dê giảm mạnh. Ông Nguyễn Đức (trú xã Thiện Hưng) cho biết: “Trước đây, đàn dê nhà tôi luôn duy trì trong chuồng từ 45 - 50 con. Tuy nhiên, một tháng qua, giá dê đực giảm chỉ còn 70.000 đồng/kg, giá dê cái còn giảm mạnh hơn – khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sợ bị lỗ, tôi vội rã đàn bán, chỉ chừa khoảng 20 con, chờ giá lên mới bán”.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi dê khác vẫn cầm cự giữ đàn, không bán, chờ giá lên. Ông Hồ Như Phợt (Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Bình Phước) cho rằng: “Việc giữ đàn chờ giá lên sẽ rất phiêu lưu. Nếu giá lên thì thắng, nhưng giá không lên hoặc xuống, coi như trắng tay. Hơn nữa, dê chỉ có giá khi trọng lượng trong khoảng 30 – 35 kg. Nếu để lâu, trọng lượng quá con số trên cũng rất khó bán, giá bán không cao”.
Theo báo Bình Phước, một số hộ nuôi dê cho biết: “Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như lá keo, lá mít… có sẵn, chuồng trại đơn giản nên phù hợp với những hộ ít vốn mà mỗi năm cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Một số loại dê thường được bà con chọn nuôi là dê bách thảo và dê bo vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu thường mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ hai trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán.
Số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, chỉ tính riêng “thủ phủ” nuôi dê (huyện Bù Đốp), năm 2017 đã có gần 45.000 con dê, tăng 20% so với con số nuôi năm 2016. Chính vì số lượng dê nuôi tăng “nóng”, dẫn tới hiện tượng… thừa dê, giá sụt giảm.
Để các mô hình chăn nuôi dê phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cần phải hoạch định, định hướng lại việc chăn nuôi dê đang hết sức tự phát, mới mong giúp các hộ chăn nuôi chủ động được số lượng đàn, giữ được giá bán ổn định.