19:43 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Yên Dũng, Bắc Giang: Người dân liên tục làm đơn “cầu cứu” dù mỏ khoáng sản chưa được cấp phép chính thức

09:58 31/05/2022

(THPL) – Cho rằng việc khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, môi trường, kinh tế… và nguy cơ “xóa sổ” vùng quê yên bình, nhiều người dân tại thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng, đề nghị không cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực Bãi Dâu.

Đơn thư "cầu cứu" của gần 30 hộ dân tại thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) gửi đến lãnh đạo các cấp chính quyền.
Theo đơn thư người dân phản ánh, các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần tiến hành họp, xin ý kiến người dân về việc cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực Bãi Dâu (thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) ngay cạnh bờ sông Thương. Tuy nhiên, đại đa số người dân nơi đây kịch liệt phản đối, không đồng tình với chủ trương cấp mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực nói trên, vì lo lắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sau này.

Theo hồ sơ người dân cung cấp, ngày 19/09/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành giấy phép thăm dò khoáng sản số 701/QĐ-UBND. Theo đó, cấp phép cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội (Công ty Phúc Lợi Hà Nội) thăm dò khoáng sản (đất sét gạch, ngói) với diện tích 9,89 ha tại khu vực Bãi Dâu, thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Khu vực cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản nêu trên thuộc Quy hoạch vùng nguyên liệu sét sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 theo Quyết định số 2103/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh. Đồng thời, khu vực này cũng được phê duyệt bổ sung khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 04/07/2019 của UBND tỉnh.

Người dân thôn Mỹ Tượng tỏ ra vô cùng hoang mang, lo lắng và kịch liệt phản đối việc cấp mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực Bãi Dâu.

Thời gian gần đây, các cấp chính quyền xã Lãng Sơn và huyện Yên Dũng cũng như Công ty Phúc Lợi Hà Nội liên tiếp tổ chức họp dân để xin ý kiến về việc cấp mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực Bãi Dâu. Tuy nhiên, người dân thôn Mỹ Tượng tỏ ra vô cùng hoang mang, lo lắng và kịch liệt phản đối việc cấp mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực này.

Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu & Pháp luật, ông Nguyễn Đức Lưu, người dân sống tại thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn cho biết: Vừa qua, xã đã tổ chức họp mấy lần để xin ý kiến người dân về việc cấp mỏ khai thác khoáng sản tại khu vực Bãi Dâu. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không nhất trí việc cấp phép khai thác khoáng sản cho khu vực này. Nếu khai thác khoáng sản khu vực này thì độ sâu có thể lên đến 25 – 30m, nên việc khai thác khoáng sản sẽ trực tiếp làm sạt lở khu vực xung quanh, làm mất đất canh tác của người dân.

Cùng nỗi lo lắng trên, ông Nguyễn Đức Thành (74 tuổi) cùng trú tại thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn cho hay: Việc khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng tới môi trường sống, ô nhiễm không khí, tạo ra một túi chứa rác thải, bao bì, xác động vật, mỗi khi có lũ về, nguy cơ tạo nên mầm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân sau này. “Quan trọng hơn hết, chúng tôi muốn giữ lại mảnh đất này cho đời con, đời cháu chúng tôi có chỗ mà làm kế sinh nhai”.

Hơn 300 ngôi mộ của tổ tiên chúng tôi sẽ “biến mất” nếu cho khai thác khoáng sản ở đây”, ông Nguyễn Đức Thành bày tỏ lo lắng.

Hơn thế nữa, người dân nơi đây rất lo lắng vì hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến các công trình tâm linh của người dân. Bà Nguyễn Thị Thư (83 tuổi) băn khoăn: “Ngôi đền Đà Hy có lịch sử hàng trăm năm nay, bảo vệ, phù hộ cho biết bao thế hệ con cháu ở đây. Nếu mà có khai thác khoáng sản thì chắc chỉ 1 năm là cả cái Bãi Dâu này, cả đền Đà Hy này sẽ mất hết”.

Không chỉ đền Đà Hy mà “Hơn 300 ngôi mộ của tổ tiên chúng tôi sẽ “biến mất” nếu cho khai thác khoáng sản ở đây”, ông Nguyễn Đức Thành lo lắng chia sẻ thêm với phóng viên.

Liên quan đến các nội dung trên, phóng viên đã trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn. Ông Thu cho biết địa điểm đó được UBND tỉnh cho phép thăm dò khai thác từ năm 2018. Để được cấp phép khai thác chính thức, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như của UBND huyện, UBND xã cho tổ chức họp dân để xin ý kiến của nhân dân. Ông Thu cũng khẳng định thêm: “Nếu như dân đồng tình ủng hộ thì cấp phép, còn nếu không đồng tình ủng hộ thì thôi, được kết quả bao nhiêu thì chúng tôi báo cáo về huyện về sở”.

Trụ sở UBND xã Lãng Sơn

Có thể nói, những lo lắng của người dân tại đây không phải không có cơ sở, khi những năm gần đây, nhiều dự án khai thác khoáng sản dù được cấp phép nhưng khi đi vào khai thác đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Chính vì thế, mặc dù mỏ chưa được cấp phép chính thức nhưng đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía người dân địa phương. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Yên Dũng cần xem xét tới những nguyện vọng của người dân, đảm bảo quyền lợi, tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích các bên liên quan, hướng tới sự phát triển bền vững.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này đến bạn đọc.

Thắng Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu