13:29 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vietcombank bất ngờ giảm lãi suất huy động

| 13:44 11/11/2017

(THPL) – Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa quyết định giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, theo Thời báo Ngân hàng, theo biểu niêm yết tại Sở Giao dịch Vietcombank, lãi suất huy động VND đã giảm ở các kỳ hạn từ 1- 9 tháng, với mức giảm 0,1%/năm; mức cao nhất ở kỳ hạn 9 tháng xuống còn 5,4%/năm và thấp nhất ở kỳ hạn 1 tháng còn 4,2%/năm.

Ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, Vietcombank giữ nguyên mức 6,5%/năm. Động thái này được xem là khá bất ngờ bởi thời điểm hiện nay đã cận kề cuối năm tài chính 2017, thời điểm khi mà nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng lên rất cao. Việc Vietcombank hạ lãi suất huy động có thể khiến huy động vốn của nhà băng này bị ảnh hưởng.

Theo báo Dân trí, dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. 

vietcombank
Dù chỉ điều chỉnh giảm 0,1%/năm nhưng lãi suất huy động của ngân hàng Vietcombank tiếp tục thấp hơn từ 0,1-0,2%/năm so với các thành viên trong khối ngân hàng cổ phần Nhà nước. Ảnh minh họa: Dân trí

Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Theo đánh giá của giới tài chính, việc Vietcombank cắt giảm lãi suất huy động là tín hiệu tốt cho cả hệ thống ngân hàng, có thể sẽ kéo theo các ngân hàng khác hạ lãi suất huy động trong thời gian tới. Và khi giá vốn đầu vào giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo, giúp nguồn vốn giá rẻ đi vào sản xuất kinh doanh dịp cuối năm tốt hơn.

Thông số từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, 10 tháng đầu năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm% so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp (lãi suất O/N ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần là 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng là 1,5%/năm).

"Thanh khoản hệ thống ổn định do Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, và cung ứng tiền ròng khoảng 130 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống giảm nhẹ so với tháng trước, đạt khoảng 86,75% (giảm khoảng 0,21 điểm % so với tháng 9/2017)", Ủy ban Giám sát Tài chính nhận xét.

Huy động vốn 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trướctăng  14,7%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động. 

viet-com
Động thái Vietcombank giảm lãi suất huy động được xem là khá bất ngờ. Ảnh minh họa: Trí thức trẻ

Trong bối cảnh đó, tín dụng 10 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016.

Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng. Tín dụng trung và dài hạn ước chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước chiếm 46,3% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).

Còn tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Tín dụng bằng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).

Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%). Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%).

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu