21:51 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản

10:36 16/10/2023

(THPL) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 9,33 triệu tấn sắt thép trong 9 tháng qua, nguồn nhập chính đến chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Tháng 9/2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn sắt thép với trị giá 996 triệu USD, tăng lần lượt 9,1% về lượng và 6,3% về trị giá so với tháng 8 năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá tăng lần lượt 89% và 40%. Tính chung 9 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 9,33 triệu tấn sắt thép với trị giá 7,53 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng nhưng lại giảm 21,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, nhập khẩu 5,5 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc với kim ngạch 3,88 tỷ USD, tăng 38% về lượng nhưng lại giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lượng và trị giá nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chiếm lần lượt 59% và 51% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Lượng sắt thép nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 1,46 triệu tấn, là một trong hai thị trường chính Việt Nam nhập khẩu sắt thép trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1 triệu tấn. Kim ngạch nhập khẩu sắt thép từ Nhật Bản đạt 1,11 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng và trị giá nhập khẩu sắt thép từ thị trường này lần lượt tăng 5,8% và giảm 19,4%.

Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến nhập khẩu sắt thép, theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, nhập khẩu quặng sắt của nước này trong tháng 9/2023 đạt 101,18 triệu tấn, giảm 4,9% so với tháng 8, nhưng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 876,65 triệu tấn quặng sắt, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc thấp hơn so với trước kỳ nghỉ lễ; qua đó, thúc đẩy thị trường quặng sắt ở một mức độ nhất định. Đồng thời, mặc dù một số nhà máy thép ở miền Bắc Trung Quốc được cho là đang thực hiện việc bảo trì, nhưng sản lượng thép vẫn ở mức tương đối cao cũng hỗ trợ giá quặng sắt.

Việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam được nới lỏng và không có quy trình kiểm tra chất lượng như trước đây dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc tăng rất nhanh.

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australai, Anh….

Theo đó, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.

Trong khi đó, ngành thép Việt Nam đang chịu cảnh thua lỗ, thì lượng thép nhập khẩu vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Vì vậy, VSA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu