19:17 ngày 28/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đón 166 dự án FDI đầu tiên trong năm 2018

15:04 29/01/2018

(THPL) - Đến thời điểm 20/1/2018, Việt Nam thu hút 166 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư, báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2018 thu hút 166 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD (giảm 5,1% về số dự án và giảm 64,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017).

Bên cạnh đó, có 61 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 456,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2018 ước tính đạt 1.050 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng 1/2017.

buoc-ngoat-moi-trong-thu-hut-fdi1514709749
Nền kinh tế Việt Nam đang cần các dự án FDI chất lượng, hiệu quả và tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội. Ảnh: Báo Đầu tư

Trong tháng còn có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 199,1 triệu USD và 203 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 156,9 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 330,6 triệu USD, chiếm 74,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 60 triệu USD, chiếm 13,5%; các ngành còn lại đạt 52 triệu USD, chiếm 11,8%.

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong tháng 1/2018, trong đó TP.HCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 86,2 triệu USD, chiếm 19,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Nam Định 80,2 triệu USD, Ninh Thuận 60 triệu USD, Bình Dương 36,7 triệu USD, Long An 35,2 triệu USD, Bắc Giang 27,3 triệu USD, Hà Nội 25,7 triệu USD.

Trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng 1 năm nay. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 147,7 triệu USD, chiếm 33,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 70,4 triệu USD, Na Uy 70,1 triệu USD, Quần đảo Vigin thuộc Anh 51,4 triệu USD, Trung Quốc 20,1 triệu USD....

Trước đó, theo báo Vnexpress, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2016 và tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng cao nhất từ trước đến nay.

Nhìn vào con số thu hút ấn tượng và giải ngân FDI kỷ lục năm nay, Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, FDI đã, đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh những tác động tích cực FDI cũng có những tác động khác.

FDI vào không phải để làm từ thiện, họ bỏ ra một đồng là để thu lại hơn một đồng. Thực tế FDI vào Việt Nam tính lan toả chưa như kỳ vọng, chưa tác động tới nhiều doanh nghiệp trong nước”, ông nhắc nhở.

Nguyên Phó viện trưởng CIEM phân tích, với nước đang phát triển cái thắng quan trọng nhất là tính lan toả về kỹ năng, lao động, quản lý. Ở khía cạnh này với Việt Nam, sự tham gia thị trường của doanh nghiệp FDI lâu nay chỉ giúp “chúng ta thắng ở khía cạnh việc làm, thu nhập, một phần nào đó GDP và phần nào giá trị gia tăng”.

“Dòng vốn FDI vào nếu quản lý vĩ mô không tốt sẽ tạo ra lạm phát, bong nóng bất động sản, lên giá đồng USD gây hại cho xuất khẩu”, ông Thành cảnh báo.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh đồng tình, tính lan toả của FDI tới doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hình ảnh rõ nhất là sự tham gia của doanh nghiệp Việt hạn chế trong mạng lưới cung ứng của các tập đoàn lớn. Đơn cử, chưa doanh nghiệp nào lọt vào danh sách nhà cung ứng cấp 1 và 2 của 2 tập đoàn đa quốc gia sản xuất điện tử là Intel, Samsung.

“Nhà cung cấp cấp 1, 2 của họ hầu hết là doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn có 6 nhà cung cấp Việt cho nhà máy của Samsung Thái Nguyên thì hầu hết chỉ đảm nhiệm công việc như cung ứng bao bì, xử lý chất thải…”, Giám đốc chương trình Fulbrigh nêu.

Chưa kể khi tham gia được rồi thì sự vươn lên của doanh nghiệp Việt cũng rất hạn chế. Còn về môi trường, hiện có rất nhiều dự án tác động xấu tới môi trường, rõ nhất là câu chuyện Fomosa.

“Đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng đóng góp như thế nào cho nền kinh tế còn quan trọng hơn. Việt Nam hội nhập, nhưng đừng là điểm trung gian để các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhờ”, Tiến sĩ Tự Anh lưu ý.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu