16:22 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vì sao DN khó tiếp cận gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao?

13:39 20/07/2017

(THPL) - Gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao là gói tín dụng đột phá, thể hiện sự quan tâm cũng như kỳ vọng lớn của Chính phủ cho lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo ông Ngô Tiến Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng Công nghệ cao trong nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp phát triển còn hạn chế. Hiện mới chỉ có trên 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khó khăn lớn nhất và đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp phải là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, khoa học kĩ thuật công nghệ cao. Chính phủ đã dành cho lĩnh vực này gói tín dụng 100.0000 tỷ đồng, tuy nhiên nên số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này còn rất hạn chế do gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao do còn nhiều vướng mắc về tài sản thế chấp... (Ảnh: Internet)

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cho biết: “Tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị… rất lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn”.

“Như đơn vị của chúng tôi là sản xuất rau, trồng chè an toàn, nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ. Những sản phẩm này đỏi hỏi hàm lượng kỹ thuật, công nghệ rất cao và nguồn vốn lớn. Để vay được, ngoài ràng buộc về đầu tư máy móc, công nghệ, chúng tôi phải có tài sản thế chấp. Nhưng hầu hết đất đai sản xuất đều là đi thuê thầu nên bị định giá rất thấp, chỉ được vay mấy trăm triệu, làm sao sao đủ đầu tư cho công nghệ cao”, ông Dương Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Việt Nam VINATECH chia sẻ.

Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh nhận định, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc cho vay nông nghiệp công nghệ cao là tài sản thế chấp. Vì đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, có thể lên tới 30-40 tỷ đồng mỗi héc-ta, nhưng các tài sản trên đất lại không được thế chấp vay vốn.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, do chưa có bộ tiêu chí rõ ràng nên nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhất là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Theo đó, yêu cầu gần như bắt buộc của các ngân hàng là phải có tài sản thế chấp là sổ hồng, sổ đỏ, còn các tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp dù giá trị tiền tỷ nhưng không được xem xét tới.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết thêm về vướng mắc pháp lý này, đó là tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm thì không được cấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, nên khi đưa ra thế chấp thì không được chấp nhận. Chính phủ đã đưa vấn đề này vào Nghị quyết, giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tháo gỡ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc khi lĩnh vực này vẫn còn thiếu các công cụ phòng ngừa, chưa có kế hoạch cụ thể về sản phẩm, thị trường tiêu thụ, xác định các tiêu chí sản xuất nông nghiệp sạch. Hiện chỉ có 26 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý thế chấp tài sản cho vay nên hiện mới giải ngân được khoảng 33.000 tỷ đồng.

Có thể nói, những cam kết về gói tín dụng lên đến 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tháo gỡ pháp lý để tích tụ ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Việt Nam một lần nữa tạo nên kỳ tích khi những nguồn lực có sẵn dần cạn kiệt, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn này xem ra vẫn còn nhiều thách thức.

Bích Thảo (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu