03:02 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

VASEP kiến nghị giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu

Tuấn Minh (t/h) | 07:26 19/03/2024

(THPL) – Tại góp ý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, VASEP đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ đô la, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỷ đô la mỗi năm.

Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.

VASEP kiến nghị giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến nội dung trên, VASEP cho rằng quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ càng đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Cơ chế khấu trừ thuế này là rất tốt.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ.

Đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ phải tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều. Kết quả dẫn đến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới do chính sách thuế bất lợi hơn các quốc gia khác.

Đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0%. Nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu. Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi này, Dự thảo này đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%.

Trước một số bất cập trên, VASEP đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, VASEP đề xuất giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Cũng theo VASEP, để giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa rất nhiều thủ tục liên quan hiện nay như kê khai thuế, xuất hóa đơn, hoàn thuế, xử lý sai sót trong quá trình thực thi Luật Thuế GTGT, phản ánh đúng bản chất Sắc thuế, và đạt hiệu quả thực thi cao, đề nghị bổ sung và Dự thảo Luật Thuế GTGT các đề xuất bổ sung như sau:

Thứ nhất, đề xuất cắt giảm từ 4 mức thuế suất xuống còn 3 mức thuế GTGT. Cụ thể có 2 mức: không chịu thuế, không tính thuế (như hiện hành) và 1 mức 7% hoặc 8% áp dụng thống nhất theo nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm loại bỏ việc doanh nghiệp, người dân phải giải thích, giải trình với cơ quan thuê hay bị cơ quan thuế phân biệt mức thuế theo mục đích sử dụng.

Cùng 1 quy trình sản xuất nhưng có sản phẩm thì chịu thuế GTGT 5%, có sản phẩm lại chịu thuế GTGT lên tới 10% chỉ do đó là phế liệu, phế phẩm của dây chuyền sản xuất sản phẩm sơ chế và sản phẩm giá trị gia tăng,...

Thứ hai, về khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT. Bản chất Thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng (sản phẩm mất đi hay ra khỏi đời sống, kinh doanh), không đánh vào doanh nghiệp (doanh nghiệp là người thu-nộp hộ nhà nước nên sẽ phải được hoàn hay khấu trừ đầu vào) nên để đảm bảo công bằng, đúng bản chất sắc thuế, Dự thảo cần sửa đổi quy định hoàn thuế đối với sản xuất - kinh doanh nội địa, cho phép nếu thuế được khấu trừ âm 500 triệu thì được hoàn thuế đầu vào.

Đồng thời sửa quy định bắt buộc kê khai hóa đơn đúng kỳ (chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp kê khai đúng kỳ), cho phép chậm, giải trình theo quy định miễn là đảm bảo phù hợp với quy định, chuẩn mực kế toán và Luật kế toán và hạch toán (cho phép độ lệch thời gian hạch toán: Kho và công nợ hàng và hóa đơn).

Tại văn bản của VASEP cũng nêu rõ: "Đề nghị các Quý Bộ và Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu các góp ý-đề xuất của VASEP để bổ sung sửa đổi hợp lý cho Dự thảo nhằm vừa đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý, vừa phù hợp với thực tế, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia."

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu