19:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ủy ban Chứng khoán cảnh báo rủi ro trên app Passion Invest, Finhay

Mai Anh (t/h) | 13:27 06/10/2022

(THPL) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được cấp phép.

Báo Tiền phong đưa tin, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch, rồi sử dụng truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể như: Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…

Trước thông tin này, UBCKNN cho rằng, các doanh nghiệp trên có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán nhưng không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Đồng thời, UBCKNN cũng khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Đơn cử như với Passion Invest, được thành lập bởi ông Lã Giang Trung - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Hestia (Mã CK: HSA) - Passion Invest hiện cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng cho phần lớn các khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, các khách hàng cá nhân có số vốn lớn và các khách hàng tổ chức có thể hợp tác với công ty này thông qua sản phẩm quản lý tài khoản riêng từ 50 tỉ đồng.

Trong thời gian hợp tác, hiệu quả đầu tư sẽ được Passion Invest báo cáo định kỳ hàng tuần đến các nhà đầu tư. Công ty này quảng cáo tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm cho giai đoạn 6 năm từ năm 2016 đến hết năm 2021 của sản phẩm hợp tác kinh doanh đạt mức tỷ suất bình quân 52.92%/năm, riêng năm 2021 là 101%.

Ủy ban chứng khoán cảnh báo rủi ro trên app Passion Invest, Finhay. Ảnh minh hoạ

UBCK cũng cảnh báo thêm về các app như:

Finhay (Công ty CP Finhay Việt Nam) là ứng dụng tài chính cá nhân. Tài sản của người dùng sẽ được chuyển tới Công ty CP quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Gần đây, Finhay đã sắm cho mình một công ty chứng khoán, thâu tóm thành công Công ty CP Chứng khoán Vina (VNSC).

Tiikop là một ứng dụng fintech thuộc Công ty CP Công nghệ Techlab. Thành lập vào tháng 16/6/2020, Tiikop cung cấp cho nhà đầu tư cá nhân các sản phẩm tài chính như: Chứng chỉ quỹ, Tích luỹ, mua chung Bất động sản... với số vốn tham gia tối thiểu nhỏ.

Infina là mô hình đầu tư và tích lũy, của công ty RealStake (Singapore), và có chi nhánh tại Việt Nam. Ứng dụng này hiện cung cấp các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và tích lũy. Infina còn cung cấp sản phẩm đầu tư chung bất động sản, theo hình thức mua 1 phần sở hữu trực tiếp từ Infina hoặc từ các sàn giao dịch.

Savenow là một ứng dụng đầu tư - tiết kiệm vừa và nhỏ. Theo quảng cáo, tiền đầu tư vào ứng dụng sẽ chuyển đến các công ty quản lý quỹ có mặt trong hệ thống SaveNow theo tỷ lệ cụ thể. Các quỹ này thực hiện quản lý và đầu tư vào các thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Đầu tư SaveNow còn được tích hợp trên ứng dụng Viettel Money. Đơn vị chủ quản Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ viễn thông Việt Tín.

BUFF là ứng dụng của Công ty CP Buff Fintech, cung cấp các sản phẩm tài chính, lãi suất theo quảng cáo hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm truyền thống. Trong đó, sản phẩm tích lũy kỳ hạn cố định (1-18 tháng) cho lãi suất lên đến 9,6%/năm. Sản phẩm được cấu thành từ các công cụ nợ do các đơn vị tư vấn thị trường thẩm định, chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Liên quan đến các rủi ro của nhà đầu tư, theo báo Pháp luật TP.HCM, trước đó CTCK Hòa Bình (HBS) đã phát đi cảnh báo bị giả con dấu và website của công ty. Cụ thể HBS cho biết đã nhận được phản ánh của một nhà đầu tư, nội dung là có đối tượng tự xưng là nhân viên của HBS và đề nghị thực hiện hoạt động đầu tư để hưởng lợi nhuận. Sau đó, đối tượng nặc danh đã gửi cho nhà đầu tư trên một bản hợp đồng hợp tác đầu tư, trên đó có con dấu thể hiện các thông tin của HBS.

HBS đã khẳng định công ty không có bất kì hoạt động nào tương tự như sự việc được mô tả, không có nhân viên nào được giao nhiệm vụ gọi điện thoại để kêu gọi đầu tư và cũng không có bất kỳ mẫu hợp đồng hợp tác đầu tư nào như đã nêu ở trên. Công ty còn phát hiện được 1 trang web tự giả mạo tự đặt tên là Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình với rất nhiều thông tin liên lạc.

Cuối tháng 8, CTCK Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra cảnh báo về việc xuất hiện một số đối tượng mạo danh là nhân viên môi giới, chăm sóc khách hàng... để kêu gọi tham gia đầu tư cổ phiếu để nhận thưởng, các khóa học không rõ ràng. Một số hành vi các đối tượng áp dụng nổi bật như: Hứa hẹn phát quà ưu đãi; tham gia đầu tư cổ phiếu để nhận thưởng lớn hoặc lợi nhuận cao; tham gia các khóa học không rõ ràng... sau đó các đối tượng lừa khách hàng nộp tiền vào các ứng dụng, tài khoản giả mạo để đầu tư hoặc chơi game.

Một số CTCK khác như SSI, MBS, VPS, HSC… cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về việc bị mạo danh lừa đảo đầu tư. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong những ngày diễn biến tiêu cực, nhà đầu tư cần lưu ý thận trọng hơn khi chọn kênh giao dịch hợp pháp, tránh bị thiệt hại không đáng có.

Mai Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu