22:07 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi

17:02 20/02/2019

(THPL) - Ổ dịch tả lợn châu Phi vừa được phát hiện tại Hưng Yên và Thái Bình với hơn 250 con lợn đã bị tiêu hủy. Cục Thú y đang khẩn cấp triển khai ứng phó.

Theo Tri thức trực tuyến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có thông báo về việc xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Hưng Yên và Thái Bình với 3 ổ dịch tại các huyện, thị xã. Cụ thể, Hưng Yên có 2 ổ dịch gồm 130 con lợn, Thái Bình có một ổ dịch với 123 con nhiễm bệnh. 

Tiêu hủy lợn mắc ASF tại Hưng Yên. (Ảnh: Lao động)

Sau khi phát hiện các ổ dịch trên, Cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy ngay lập tức toàn bộ số lợn có xét nghiệm dương tính với bệnh dịch. Chính quyền địa phương đã lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm từ thịt lợn và khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh.

Ngay sau đó, Cục Thú y cũng đã lấy thêm hàng trăm mẫu phân tích với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch và đang chờ kết luận.

Theo báo Lao động, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết thông tin về dịch ASF ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện từ ngày 1/2/2019. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn tại ổ dịch, đồng thời đẩy mạnh giám sát, khoanh vùng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tại Hưng Yên, dịch ASF xuất hiện trên 2 địa bàn gồm TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ, tổng số lợn bị tiêu hủy là 134 con.

Tại Thái Bình, dịch ASF xuất hiện ở 6 điểm chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,…

“Cho đến thời điểm này, xung quanh khu vực phát hiện dịch bệnh không phát sinh ổ dịch mới và đã qua 18 ngày, ổ dịch về cơ bản được khống chế” – ông Phạm Văn Đông khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Long –Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 42 độ C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. “Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy” – ông Long nói.

Cục Thú y khuyến cáo bà con trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt các mầm bệnh. Khi mua lợn giống, bà con cần chú ý mua lợn rõ nguồn gốc, tránh trường hợp mua phải đàn lợn có mang mầm bệnh.

Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, nếu thấy lợn có biểu hiện bị bệnh cần báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để được hướng dẫn giải quyết.

Để tăng cường kiểm soát vận chuyển và ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Ngày 15/11/2018, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký ban hành quyết định về kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, kế hoạch nói rõ cách thức ứng phó tình huống đối với các địa phương có dịch và chưa có dịch.

Minh An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu