21:04 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM: Thử nghiệm mô hình xe cấp cứu cơ động 2 bánh

11:13 08/11/2018

(THPL) - Đây là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn quận 1 - địa bàn đông dân cư, khách du lịch.

Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn vừa chính thức đưa vào hoạt động thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh. Đây là đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật của bệnh viện nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân tại Quận 1, địa bàn đông dân cư, nhiều khách du lịch và nhiều lễ hội.

xe-cap-cuu
Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vừa chính thức thử nghiệm mô hình xe cấp cứu cơ động 2 bánh.

Phương tiện cấp cứu cơ động này sẽ giúp các y, bác sĩ tiếp cận người bệnh hoặc người bị tai nạn trong thời gian nhanh nhất để kịp thời sơ, cấp cứu tại chỗ trong điều kiện xe cứu thương 4 bánh khó tiếp cận được hiện trường.

BS. Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, kinh phí đầu tư 2 xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối, màu trắng, in logo Trung tâm Cấp cứu 115 và logo Bệnh viện đa khoa Sài Gòn được BV vận động nguồn ngân sách từ bên ngoài. 

Trên xe được trang bị hai "tủ thuốc" với đầy đủ các loại thuốc như an thần, dung dịch truyền, thuốc chống loạn nhịp,... trang thiết bị cần thiết cho một ca cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra, trong vali còn trang bị bộ đặt nội khí quản, ống bóp, kim tiêm, máy xốc điện, máy đo điện tim… cùng các dụng cụ thiết yếu để có thể thực hiện hồi sức một cách nhanh nhất.

Trước đó, Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế TPHCM đã thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai sản phẩm sáng tạo này. Thay vì xe tay ga phân khối lớn hay được sử dụng tại các nước phát triển, Hội đồng nhất trí với đề xuất của Bệnh viện đa khoa Sài gòn là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ.

Sở Y tế TPHCM lưu ý luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu và bệnh viện; sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh và nhóm thường trực xe cứu thương, khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe cứu thương sẽ kịp thời đến để vận chuyển bệnh nhân sau khi đã được sơ, cấp cứu trước đó.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu