04:03 ngày 30/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Top 5 thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam

14:22 27/06/2024

(THPL) - Top 5 thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam lần lượt là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và EU.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt trên 4,4 tỷ USD. Hiện Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU là những thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm, chỉ thị trường Mỹ có dấu hiệu tích cực với mức tăng trưởng 7% trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 239 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mực giảm 5%, còn 130 triệu USD; bạch tuộc lại tăng 5%, đạt 109 triệu USD.

5 thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam lần lượt là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và EU.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 239 triệu USD. Ảnh minh hoạ

Riêng đối với thị trường Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Trung Quốc đã khiến nước này tăng nhập hàng từ các nguồn khác, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như: Mực khô, mực ống và mực nang khô, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...

Trước đó, dự báo về thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2024, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, mặc dù nhu cầu nhập khẩu có dấu hiệu hồi phục, nhưng ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, tiếp đến là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Liên quan đến ngành thuỷ sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2024, ngành thủy sản phấn đấu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Song, thách thức lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam vẫn là chất lượng và cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc vướng cảnh báo thẻ vàng IUU đang là cản trở lớn để xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bền vững.

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản dần khôi phục tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, vấn đề cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang là rào cản lớn cần sớm được tháo gỡ, nhằm thúc đẩy ngành hàng thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu