02:28 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tỉnh nghèo xây dựng "Công viên văn hóa nghìn tỷ" có hợp lý?

| 09:35 24/02/2017

(THPL) - Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tổ chức trưng bày mô hình và phối cảnh Công viên văn hoá xứ Thanh với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.500 tỷ đồng để lấy ý kiến người dân.

Theo thuyết trình, công viên văn hoá xứ Thanh rộng 500.000 m2, dự kiến sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố Thanh Hoá với nhiều hạng mục có quy mô lớn.

Theo mô hình trưng bày, công viên văn hóa xứ Thanh sẽ có 2 phương án xây dựng.

Phương án 1: Công viên sẽ có các hạng mục chính như: Khu đền thờ trăm họ, tháp vọng cảnh, Đại đình làng Việt, khu dịch vụ tập trung, bảo tàng tổng hợp tỉnh mang hình dáng trống đồng, trung tâm triển lãm, mô hình tái hiện quá trình xây dựng thành nhà Hồ và một số công trình phụ trợ độc đáo khác. Phương án có tổng mức đầu tư khoảng 2.361 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 713 tỷ đồng, ngoài ngân sách 1.648 tỷ đồng).

Phương án 2: Ngoài các hạng mục trên, có thêm quảng trường và khu nhà điển hình các dân tộc thiểu số. Phương án này cũng có tổng mức đầu tư khoảng 2.520 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ đồng, còn lại 1.740 tỷ đồng là ngân sách xã hội hóa.

Cả 2 phương án đều được nghiên cứu trên cơ sở kết tinh các đặc trưng nổi bật của văn hóa xứ Thanh với văn hiến, văn vật và văn minh, nhằm mục tiêu phục vụ sinh hoạt cộng đồng về chính trị – kinh tế – văn hoá – xã hội của nhân dân.

Tổng quan mô hình Công viên Thanh hóa với tổng mức đầu tư lên tới hơn 2000 tỉ đồng.

Nói về ý nghĩa của công trình đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, báo Thanh Hóa dẫn lời ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy hôm 18/10/2016:  "Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thanh Hóa, nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện các mô hình, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh trước khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra quyết định cuối cùng".

Mô hình khu Trung tâm triển lãm. (Ảnh: M.Nguyệt)
Khu Đại đình làng Việt (Ảnh: M.Nguyệt)
Khu Đền trăm họ thờ 183 dòng họ ở Việt Nam. (Ảnh: M.Nguyệt)

Về công tác đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất chủ trương: Kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế uy tín, có kinh nghiệm vào đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác thực sự hiệu quả, đúng theo phương án thiết kế đã được duyệt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Thanh Hóa là tỉnh nghèo, vẫn phải xin Trung ương viện trợ gạo để cứu đói thì việc đưa ra chủ trương và lấy ý kiến “công trình nghìn tỷ” vào thời điểm này là không hợp lý. 

Cụ thể, trong dịp tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về việc xin hơn 650 tấn gạo cứu đói cho bà con địa phương. Năm 2015, Thanh Hóa xin hỗ trợ tới 934,155 tấn gạo, năm 2014 xin hơn 500 tấn gạo.

Liên quan đến việc phân bổ gạo trợ cấp tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, nhiều hộ dân xã Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã bày tỏ sự bất bình vì cho rằng họ không nhận được tiêu chuẩn gạo đủ theo quy định.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Thanh Hóa là một trong những tỉnh nhận trợ cấp ngân sách nhiều nhất từ Chính phủ, lại là tỉnh đông dân, vì vậy, trong quá trình quy hoạch, những người có trách nhiệm cần thiết phải nghiên cứu thứ tự ưu tiên tính cấp bách của dự án và cân đối nguồn lực tài chính. Bởi lẽ, nếu dự án này tiêu nhiều tiền thì các dự án khác sẽ giảm bớt tiền đi. Công viên văn hóa cần khang trang, đẹp đẽ nhưng phải tính đến hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại, vì thực tế tại không ít địa phương đã xảy ra tình trạng đổ nhiều tiền xây dựng các công trình công cộng hoành tráng, nhưng những công trình ấy lại không phát huy được hiệu quả, rất lãng phí". 

Ngày 6/1 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải thông báo, ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73%, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nợ công nếu tính đủ đã vượt trần chứ không chỉ sát trần. 

Những yếu tố khiến nợ công tăng nhanh đó là: nợ xây dựng cơ bản, bảo hiểm xã hội, lãi suất hỗ trợ...

Minh Nguyệt

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu