18:40 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu Việt: Thay đổi để khẳng định vị thế trên đường hội nhập

08:48 14/02/2024

(THPL) - Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao. Tuy nhiên, khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng đã được tiếp cận những sản phẩm chất lượng cao từ nhập khẩu hoặc do chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, do đó doanh nghiệp Việt cần thay đổi để khẳng định vị thế trên đường hội nhập ngay chính tại thị trường nội địa.

Thay đổi để khẳng định vị thế

Theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (đạt mức 388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (đạt mức 431 tỷ USD). Đến năm 2023, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Trong Bảng đánh giá Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121.

Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, việc phát triển thương hiệu quốc gia không chỉ bao hàm là sản phẩm hay doanh nghiệp, mà bao trùm các nội hàm rộng hơn, gồm hình ảnh quốc gia, các yếu tố cứng (cơ sở hạ tầng, các điểm đến, vị trí địa lý chiến lược, các quan niệm về tài sản, ổn định kinh tế, năng suất, chính sách thu hút, dịch vụ và mạng của lưới hỗ trợ, chi phí hiệu quả) và các yếu tố mềm (chất lượng cuộc sống, năng lực và chuyên môn lực lượng lao động, văn hóa quốc gia, quan hệ giữa con người, phong cách quản lý, tinh thần kinh doanh, tính chuyên nghiệp, sáng tạo trong kinh doanh...).

Đặc biệt, sản xuất đang ngày càng tập trung trên nền tảng của khoa học công nghệ, dễ dàng tiếp cận thị trường thế giới hơn thời kỳ trước rất nhiều. Điều này khiến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần phát triển thương hiệu quốc gia bằng cách thu hút nguồn lực con người có tri thức và tay nghề cao đến sống, lao động, làm việc và định cư tại quốc gia.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, để kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, trong những năm qua Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, cùng chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong.

Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp trong nước có được thương hiệu để thế giới biết đến vẫn còn ít. Để đẩy mạnh hơn nữa đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt của chính doanh nghiệp.

Đơn cử như với Vinamilk, nhiều năm qua, Vinamilk đã đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động của công ty ra nước ngoài. Cụ thể như nhà máy ở Mỹ, Campuchia, New Zealand, hay mới đây là dự án xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa organic tại Lào, giúp tạo ra được năng lực sản xuất, lợi thế cạnh tranh lớn trên trường quốc tế.

Nhờ vậy mà trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, Vinamilk vẫn vững vàng vượt qua được thách thức, đảm bảo tăng trưởng ổn định, đóng góp cho kinh tế nói chung và tích cực hỗ trợ cộng đồng trong thời điểm khó khăn do đại dịch. Các giá trị cốt lõi đã được doanh nghiệp thực hiện với sự cam kết cao, điều đó góp phần đưa Vinamilk - thương hiệu quốc gia của ngành sữa vươn xa và ngày càng khẳng định được giá trị bền vững của mình.

Gian hàng của Vinamilk tại Gulfood Dubai. Ảnh: Vinamilk

Với đồ uống, trong khoảng gần 2 thập niên qua, thị trường nước giải khát Việt luôn xuất hiện những cuộc đua tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế trong mảng nước giải khát có gas, thì doanh nghiệp nội bằng việc tìm ra ngách sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Việc cạnh tranh tốt bằng sự khác biệt ở trong nước có thể giúp các doanh nghiệp nội hướng tới các thị trường quốc tế với vị thế mới thông qua các sản phẩm đầu cuối tối ưu.

Để có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của chính mình, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát đã có những bước đầu tư bài bản, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững… Trong đó có thể kể đến hành trình của Tập đoàn Tân Hiệp Phát khi đưa sản phẩm chinh phục nhiều thị trường trên thế giới đã có bước đầu thành công.

Tính đến nay sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã xuất đi hơn 20 nước và được sự đón nhận của người tiêu dùng ngay cả ở những thị trường khó tính như như EU hay Mỹ. Đây là những tín hiệu khả quan trong hành trình đưa xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững, khẳng định vị thế của các thương hiệu Việt tại các thị trường quốc tế.

Cần xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế

Thời gian qua, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; đồng thời, tạo động lực đổi mới trong nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân...

Tuy nhiên, các kết quả đạt được trong tiến trình hội nhập quốc tế thời gian qua chỉ là bước đầu. Về cơ bản, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nhiều ngành hàng vẫn cần được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc cạnh tranh tại các trên trường quốc tế và ngay tại thị trường Việt Nam của nhiều doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do vậy, để khai thác hiệu quả hơn nữa các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp như:

Xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là triển khai kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới,... để hướng tới xuất, nhập khẩu mang tính cân bằng hơn, bảo đảm thị trường ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Sự kiện VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq mở đường cho doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Ảnh: VF

Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cần bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết một cách chuyên sâu, theo từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để doanh nghiệp nắm vững quy định cụ thể của các FTA liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình ở thị trường các nước đối tác FTA.

Phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí hành chính, xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa,... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Các bộ, ngành, cần tích cực tham vấn với các hiệp hội để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp. Chủ động đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế; kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các FTA cũng như tích cực khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho quá trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và vận dụng tối đa lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế trong kinh doanh; tự bảo vệ mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế thông qua việc tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đáp ứng các quy định kiểm dịch của các thị trường lớn và khó tính, cũng như chú trọng đầu tư xây dựng nguồn lực chất lượng cao.    

Văn Minh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu