15:09 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu Nhật Bản Komonoya: Nguồn gốc, chất lượng hàng hóa đánh đố người tiêu dùng?

| 16:01 14/04/2017

(THPL) – Các gian hàng Komonoya tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn được người tiêu dùng biết đến với các loại hàng hóa chất lượng Nhật Bản, kèm theo mức "đồng giá" 40 nghìn đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thật sự yên tâm khi sử dụng các sản phẩm này?

Komonoya quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”?

Thời gian gần đây, tòa soạn Thương hiệu và Pháp luật liên tục nhận được thông tin của độc giả liên hệ qua đường dây nóng, phản ánh về các gian hàng Komonoya bán hàng đồng giá chất lượng Nhật Bản 40.000 VNĐ có nhiều sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ, chất lượng không rõ ràng, dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm được quảng cáo chất lượng Nhật nhưng lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước thông tin phản ánh của độc giả, PV đã có chuyến khảo sát, ghi nhận về sản phẩm của các gian hàng Komonoya tại các trung tâm thương mại lớn như: Siêu thị Big C, Trung tâm thương mại AEON Long Biên…

Theo ghi nhận của PV, tại tất cả các gian hàng Komonoya đều có treo các tấm biển quảng cáo rất thu hút khách hàng với lời giới thiệu: “Thương hiệu Nhật Bản một giá 40.000 đ cho tất cả sản phẩm”. Với lời quảng cáo có cánh như trên, rất nhiều người tiêu dùng (NTD) quan tâm, mua sản phẩm tại các gian hàng trên vì cho rằng đã mua được sản phẩm giá rẻ với chất lượng Nhật Bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các sản phẩm đang được bày bán tại gian hàng Komonoya đều được dán tem phụ tiếng Việt để NTD biết đến các sản phẩm này thuộc về CT Watts Nhật Bản, có địa chỉ 5F, 1- 4 – 70 Shiromi, Chuo – ku, Osaka, Nhật Bản (địa chỉ công ty tại Nhật Bản). Nhà nhập khẩu: CTCP Overseas Fashions số 12 Tân Trào, P. Tân Phú, Q.7, TP.HCM; Nhà phân phối: CTCP Thời trang Hype địa chỉ tại 60 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Điều đáng nói, tất cả các sản phẩm đều có đặc điểm là sản xuất tại Trung Quốc.

Tất cả các sản phẩm bán tại Komonoya đều được sản xuất ở Trung Quốc.

Đánh đố NTD với nhãn hàng hóa không rõ ràng

Trao đổi với PV, một khách hàng tên D trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, vừa mua 1 số sản phẩm tại Komonoya Big C cho hay: “Tôi rất hay đi siêu thị Big C để mua hàng, nhưng đây là lần đầu tôi mua sản phẩm đồng giá của Komonoya, vì thấy giới thiệu đây là sản phẩm của Nhật, giá cả cũng hợp lý”.

Nhãn phụ dán trên sản phẩm không đầy đủ, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Khi PV hỏi về chất lượng của các sản phẩm này thì khách hàng D chia sẻ thêm: “Tôi thấy giới thiệu bán hàng của Nhật nên chất lượng chắc cũng của Nhật thôi, nhưng có điều đối với một sản phẩm mua về thì tôi cũng chưa biết cách dùng vì cũng chẳng thấy có mục nào ghi về cách sử dụng, bảo quản, hạn sử dụng ở đâu.”

Đúng như khách hàng D chia sẻ, PV cũng nhận thấy ngoài các thông tin thể hiện trên nhãn phụ bằng tiếng Việt như nêu ở trên, PV không hề tìm thấy bất kỳ thông tin nào khác liên quan đến sản phẩm như: thông số kĩ thuật, ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản, thông tin cảnh báo, thông tin về chất lượng sản phẩm….được các cơ quan chức năng của kiểm định, đánh giá.

Cá biệt, cầm trên tay sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em “Đồ chơi bong bóng xà phòng”, PV chỉ biết được về thành phần “Chất hoạt động bề mặt” kèm theo đó là thông tin xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, phân phối… còn tuyệt nhiên không có bất kỳ thông tin cảnh báo nào dành cho trẻ em đối với món đồ chơi có chứa hóa chất này.

Không rõ với sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm như trên mà đơn vị nhập khẩu lại lờ đi các quy định bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa theo nghị định 89/CP của Chính phủ, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ra sao khi trẻ bất cẩn cho vào miệng khi sử dụng?

Điều 6, Nghị định 89/CP - NĐ về Nhãn hàng hoá
1. Nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.
2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
3. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì:
a) Các nội dung: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá;
b) Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

 Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu