13:50 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thừa Thiên - Huế: Yêu cầu kiểm tra chất lượng 400 cột điện đổ trong bão

19:33 24/09/2020

(THPL) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo công ty điện lực kiểm tra, xem xét để có đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại và nguyên nhân khiến hàng loạt trụ điện bị gãy, đổ.

Liên quan đến vụ việc hơn 400 cột điện ở Huế gãy, đổ trong bão số 5, ngày 24/9, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã yêu cầu Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Sở Công thương tiến hành rà soát các tiêu chuẩn, kỹ thuật để đánh giá chất lượng cột điện bị gãy đổ tại địa phương. Đồng thời công khai kết quả đánh giá để người dân được biết.

Tại cuộc họp giao ban mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Do hệ thống lưới điện là công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nên ngành điện lực phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư và giám sát chất lượng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc cột điện bị gãy đổ.

Báo Công an nhân dân đưa tin, trước đó qua thống kê của Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế xác định có hơn 400 cột điện trên địa bàn tỉnh gãy và đổ do bão số 5 vào sáng 18/9, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng. Trong đó, có 109 cột trung áp và 163 cột hạ áp bị gãy, thiệt hại 11,4 tỷ đồng.

Thừa Thiên - Huế yêu cầu kiểm tra chất lượng 400 cột điện đổ trong bão (ảnh: Internet)

Theo đó, thông tin trên đã khiến dư luận quan tâm, bởi sức gió của cơn bão này chỉ mạnh cấp 8 trong khi cột điện ly tâm dự ứng lực có khả năng chịu được sức gió giật trên cấp 12.

Chia sẻ về điều này, ông Hà Thanh Long giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, hơn 10 năm nay đây là cơn bão mạnh, gây thiệt hại lớn nhất cho ngành điện. Theo ông Long, trong thiết kế, cột điện ly tâm dự ứng lực chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12. Loại cột này chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm, được đóng dấu đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Trước khi xuất xưởng, sản phẩm đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, thí nghiệm phá hủy. Loại cột này được thiết kế có khả năng chịu đựng gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế.

Với những đặc tính trên và giá thành rẻ hơn từ 5-10% nên từ năm 2016, theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hầu hết tỉnh, thành đều sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực.

Ngoài ra, ông Long giải thích thêm trước khi đưa cột điện dự ứng lực vào sử dụng đại trà, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiên cứu, đánh giá chất lượng đảm bảo. Việc chọn nhà sản xuất cũng được thực hiện qua việc đấu thầu công khai. Quá trình lắp đặt cũng đúng theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, theo tạp chí Đời sống và Pháp luật. 

Nhiều chuyên gia đánh giá công nghệ thi công cột điện ly tâm dự ứng lực là phương pháp hiện đại, có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên cần kiểm tra lại công tác thi công nhằm đảm bảo chất lượng.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, trong thông cáo gửi báo chí phát đi cuối ngày 22/9, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết cột điện gãy, đổ có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường, quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột. Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.

Hiện Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã giao các đơn vị chuyên môn đánh giá lại tính phù hợp của cột ly tâm trong điều kiện cụ thể của địa phương. Khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng, ngành điện lực sẽ tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu