06:44 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách trên nền tảng số

19:44 16/12/2023

(THPL) - Ngày 15/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tại công điện nêu rõ, tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên, công tác thu NSNN còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua công tác quyết toán NSNN hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong chi NSNN, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, hành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN. Cụ thể, rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu... Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý thu ngân sách trên nền tảng số. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, quyết toán thuế của các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phải thu vào NSNN. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp. Đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn; chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu, hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào NSNN, thu hồi nợ thuế.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản, buôn lậu xăng dầu qua đường biển và qua biên giới... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân...

Tại công điện cũng nêu rõ, trong trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo HĐND chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Cùng lúc, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính...). Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu, thì phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi. Trong đó, cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động tăng/giảm lớn; tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo do giảm thu cân đối ngân sách địa phương.

Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 58 của Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Hải Long (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu