15:32 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu rà soát quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

14:47 24/06/2022

(THPL) - Hiện nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Ngay cả một số loại thuốc chữa tiền đình, chống nôn vốn không hiếm nhưng cũng không có. Người nhà, người bệnh phải ra ngoài mua, gây tốn kém và khó khăn cho chính đội ngũ nhân viên y tế.

Chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đề nghị trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết.

Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội dành cho ngành y tế với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ triển khai theo đúng tinh thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, xây dựng dự thảo nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này.

Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần  công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực.

Bộ Y tế rà soát lại, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần "bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, trước hết", theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.

Bộ Y tế, các cơ quan đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả… hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Hiện nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Ảnh: Internet

Liên quan đến câu chuyện thiếu thuốc, tạp chí Ngày nay đưa tin, bác sĩ Trần Văn Phúc, BV đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, suốt một năm qua có nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư. Theo ông, hình thức đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. “Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các BV sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo. Vậy nên, cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch” – bác sĩ Phúc phân tích.

Trong Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu QH đã đề cập đến vấn đề này. Trước tình trạng không ít BV công trên cả nước thiếu thuốc, thiết bị y tế, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí, ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội cho biết, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ĐB thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, người dân, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm. ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp để khắc phục ngay như: Các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, ĐB Quốc hội Đoàn Bình Định đã đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể, sớm hoàn thiện dự thảo Luật KCB sửa đổi trong kỳ này và thông qua ở kỳ tiếp theo. Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định, các bộ sớm ban hành thông tư để tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế.

Báo VTC News thông tin thêm, một trong những nguyên nhân chính có tác động then chốt, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men, vật tư, trang thiết bị ở bệnh viện công là bất cập trong cơ chế mua sắm, đấu thầu. Vấn đề này như ngọn lửa cháy âm ỉ và khi đại dịch COVID-19 bào mòn sức chịu đựng, vụ bê bối Việt Á bùng lên đã phơi bày và khiến cho vết bỏng của ngành y càng bị khoét sâu, lan rộng.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, công tác trong ngành dược, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, trong câu chuyện về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, cơ chế là thứ “hết sức kỳ lạ”. Sự bất hợp lý trong các quy trình, quy định và chưa có luật mang tính đặc thù cho ngành y dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm ở nhiều bệnh viện công gặp trở ngại. Bà Lan gọi "đấu thầu thuốc" là ba từ gây ám ảnh đối với ngành y.

“Đành rằng chậm để chắc chắn là đúng quy trình nhưng như vậy thì không bảo đảm tính kịp thời trong việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Người dân không thể bị bệnh theo quy trình cũng như chờ thuốc, thiết bị y tế theo quy trình”, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu