17:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng

Thanh Mai (t/h) | 15:53 01/07/2024

(THPL) - Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4286/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN).

Theo đó, tại văn bản nêu rõ: Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam có văn bản số 19/KN-VAFF ngày 5/6/2024 kiến nghị về kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Thông báo số: 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022, số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và số 16/TB-VPCP ngày 17/1/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tham khảo văn bản kiến nghị của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

Trên cơ sở đó chỉ đạo theo thẩm quyền việc thực hiện các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2024.

Theo tìm hiểu, TPCN bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học... TPCN hoàn toàn không có công dụng chữa bệnh nhưng qua chiêu trò quảng cáo, nhiều khách hàng tin rằng TPCN giống như “thần dược”, trị được bách bệnh, phòng ngừa nhiều bệnh nan y. 

Theo các chuyên gia, TPCN hiện nay “thượng vàng hạ cám”, giá trên trời nhưng chất lượng bị thả nổi. Trong ma trận này, lợi nhuận thì người bán hưởng còn hậu quả hoàn toàn thuộc về phía người dùng.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhận định, Việt Nam đi sau thế giới về TPCN nhưng lại đi quá nhanh nên gặp nhiều vấn đề trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo TPCN. Theo quy định, TPCN phải được sản xuất hoặc nhập khẩu trong dây chuyền đạt GMP (thực hành sản xuất tốt), nhưng vấn đề nan giải là có TPCN sản xuất bằng “công nghệ xô, chậu”, nghĩa là mua vỏ viên nang về, trộn nguyên liệu bỏ vào rồi đóng gói. Hiện nay, không ai dám chắc tất cả các mặt hàng TPCN trên thị trường đều được sản xuất từ dây chuyền đạt chuẩn, thậm chí có cả sản phẩm giả, kém chất lượng len lỏi vào.

Nhiều loại TPCN làm giả được buôn bán thông qua chợ thuốc tây, nhà thuốc, bán đa cấp khiến công tác quản lý khó càng thêm khó. “Những vấn đề về TPCN vẫn rất nhức nhối và còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh tập huấn cho nhân viên các nhà thuốc để tư vấn cho người dân, chúng ta cần đòi hỏi ý thức người hành nghề và sự kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu