13:38 ngày 22/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo

10:59 22/01/2025

(THPL) - Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm với TP.HCM và quan hệ giữa WEF với Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, phát huy và lan tỏa ảnh hưởng tích cực của WEF, góp phần giải quyết các vấn đề của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Tối ngày 21/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Hồ Chí Minh".

Tọa đàm do Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh và tập đoàn Sovico, một trong những nhà sáng lập của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM" .Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo Chính phủ đưa tin, tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất thông minh và hợp tác cùng Trung tâm C4IR; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hợp tác trung tâm tài chính của đối tác nước ngoài, cơ hội hợp tác phát triển cùng Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM; khuyến nghị cho Việt Nam và các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.

Các đại biểu đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Sau 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI. 

Các đại biểu cũng khẳng định Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đang tập trung tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, cam kết mạnh mẽ về phát triển các ngành then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hạ tầng số…

Thành phố đang hình thành cơ chế khuyến khích trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Tháng 9/2024 vừa qua, với sự phối hợp chặt chẽ của WEF, Trung tâm C4IR TPHCM đã hình thành và đi vào hoạt động. Đây là một nỗ lực lớn, có tính đột phá để hướng tới Thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại.

Ông cũng cho biết, mục tiêu đưa TPHCM trở thành thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là khát vọng của Thành phố mà còn là quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Các đại biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vừa qua, việc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM được thành lập là hoàn toàn phù hợp chủ trương và góp phần tích cực triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu, các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục góp ý để tháo gỡ về thể chế và cách thức huy động nguồn lực để phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thể chế phải thông thoáng; quy định và thủ tục phải đơn giản, tránh các thủ tục rườm rà, không cần thiết; từ đó huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đa dạng hóa nguồn lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu góp ý và nghiên cứu, tham gia, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại TPHCM mang tính căn cơ, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, giải quyết cả các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Hiện TPHCM vẫn là trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng trong thời đại thông minh thì hạ tầng này vẫn chưa đáp ứng được.

Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người. Ngoài ra, thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề mà các nước phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu để giải quyết.

Thủ tướng kỳ vọng Trung tâm C4IR trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển xứng tầm với TPHCM và quan hệ giữa WEF với Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, phát huy và lan tỏa ảnh hưởng tích cực của WEF, góp phần giải quyết các vấn đề của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Về trung tâm tài chính TPHCM, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn lớn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để có thể hình thành nhanh trung tâm này. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được"; thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc là những yếu tố quyết định thành công.

Theo người đứng đầu Chính phủ, những việc nói trên đang được triển khai bước đầu với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ những băn khoăn, trăn trở, cảm xúc, ấn tượng về TPHCM, tiếp tục góp ý hiến kế để TPHCM phát huy những gì đã làm tốt, khắc phục những gì chưa làm tốt, có thêm tự tin, bản lĩnh, trí tuệ để thúc đẩy phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, có thêm những công trình lớn để chào mừng những ngày lễ lớn trong năm 2025, đặc biệt là hình thành được trung tâm tài chính quốc tế trong khoảng 10 năm và phấn đấu hình thành trong 5 năm, góp phần vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước, kỷ nguyên phát triển văn minh, giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Trước đó vào chiều 21/1 (giờ địa phương), tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Tọa đàm "Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16: Tương lai của Thương mại và Phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm "Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 : Tương lai của Thương mại và Phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh". Ảnh: TTXVN

Theo TTXVN đưa tin, tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ nhận định các thách thức hiện nay đối với thương mại và phát triển diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả mọi người nên cần cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn cầu nên các nước cần tăng cường hợp tác, chung tay, chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại đa phương cho phát triển.

Đặc biệt để đối mặt với các thách thức đó trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải nắm bắt "kỷ nguyên thông minh" một cách tổng thể từ bốn khía cạnh khác nhau: từ khía cạnh địa chính trị, an ninh là hoà bình, hợp tác; từ khía cạnh kinh tế là phát triển nhanh và bền vững; từ khía cạnh môi trường là khai thác sử dụng bền vững; từ khía cạnh xã hội là tiến bộ, công bằng xã hội, không để lại ai phía sau. Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho kỷ nguyên mới với cách tiếp cận nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

Nhấn mạnh tinh thần Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện", Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam coi trọng việc đăng cai Hội nghị UNCTAD 16 để chào đón đại biểu từ khắp năm châu. Địa điểm được lựa chọn sẽ gắn với di sản, với giá trị văn hóa để bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị vừa có thể học hỏi, nghiên cứu, giao lưu, đồng thời có dịp thưởng thức danh lam, thắng cảnh và tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Các đại biểu tham dự tin tưởng rằng, với vị thế và kinh nghiệm tổ chức hội nghị đa phương của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 sẽ là hội tụ những động lực phát triển mới, tạo ra tác động lan tỏa và tạo đà cho sự phát triển của thương mại và phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên mới.

Mai Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu