03:19 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Thêm nhiều giải pháp thu thuế với hoạt động thương mại điện tử

09:09 25/10/2020

(THPL) - Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo có thể đạt tới 10 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, những đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn hạn chế. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý thuế, bổ sung các giải pháp thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Trên thực tế, thương mại điện tử có đặc thù khác nhiều so với thương mại truyền thống. Hoạt động chủ yếu trên nền tảng internet toàn cầu, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng với rất nhiều hình thức, không rào cản biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin. Doanh nghiệp thậm chí không cần sự hiện diện ở nước sở tại mà vẫn có thể giao dịch mua bán hàng hóa bình thường.

(Hình minh họa) 

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật của Việt Nam, các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, những loại hình kinh doanh như: Tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử… đang thực sự khiến ngành thuế khó phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.

Theo phân tích từ Tổng cục thuế, trước đây một doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam phải có có sự hiện diện thường trú trên thực địa cả về thể nhân, pháp nhân và chịu sự quản lý, điều tiết của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Hiện nay, các DN thương mại điện tử không có cơ sở thường trú đã đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý, làm thế nào để xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp này. Nếu không xác định được doanh thu, doanh nghiệp có thể trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người bán hàng qua mạng và người bán hàng truyền thống.

Cùng với đó, hiện tại hệ thống pháp luật thuế của Việt Nam liên quan đến hoạt động thương mại điện tử cũng còn khá mới mẻ, có những nội dung chưa đồng bộ và hoàn thiện. Phương thức thanh, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử khác xa so với thanh, kiểm tra theo phương thức truyền thống, đòi hỏi cán bộ thuế ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cần phải có trình độ cao về tin học, ngoại ngữ để truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử làm bằng chứng đấu tranh với các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Trước thực tế đó, Tổng cục Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố song song với việc đẩy mạnh triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế đến tất cả các tổ chức, cá nhân phải thường xuyên rà soát, đôn đốc việc thực hiện kê khai, nộp thuế. Đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động này vào nề nếp.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 cũng đã bổ sung thêm những quy định liên quan đến thương mại điện tử. Theo đó, nhũng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển cổng thanh toán điện tử quốc gia; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch với sự tham gia của các tổ chức thanh toán quốc tế như Master Card, Visa… Khi hệ thống đi vào hoạt động, cơ quan thuế có thể xác định chính xác danh tính, doanh thu của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử, từ đó xác định được ngưỡng chịu thuế và số thuế phải nộp, qua đó đảm bảo công bằng giữa người kinh doanh truyền thống và kinh doanh qua mạng, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu