06:04 ngày 29/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hóa: Dấu ấn giảm nghèo trên vùng đất Châu Thường

21:15 20/06/2017

(THPL) - Về Thường Xuân hôm nay, ai cũng nhận ra sự thay da đổi thịt của một huyện miền núi nghèo của tỉnh, từng nếp nhà, con đường, các công trình điện, đường, trường, trạm như khoác lên mình một chiếc áo mới, diện mạo nông thôn khởi sắc, với nhiều gam màu sáng.

Hướng đi đúng đắn để giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, Nghị quyết HĐND huyện thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội – quốc phòng – an ninh, giai đoạn 2016 – 2020, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân tranh thủ huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo đà cho công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, thương mại phát triển. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a cùng các chính sách, chương trình, dự án khác, đến nay bộ mặt nông thôn tại huyện Thường Xuân có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm, tập trung phát triển du lịch gắn khai thác và phát huy tối đa giá trị của khu du lịch tâm linh đền Cầm Bá Thước, Hội thề Lũng Nhai, lòng hồ Cửa Đạt, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên…, kêu gọi đầu tư hạ tầng các điểm du lịch, khu du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối các tour du lịch vùng phụ cận, như Bến En, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương…

Du khách tham quan đền Cầm Bá Thước.

Phát triển nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, giá trị kinh tế cao, từng bước chuyển diện tích cây trồng có năng suất thấp, hiệu quả không cao sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như ớt, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nhân rộng mô hình nuôi con đặc sản, phù hợp với từng vùng, miền. Đặc biệt, nâng cao năng lực chuyển giao KHKT, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa…

Tập trung đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, văn hóa, y tế…

Những tín hiệu lạc quan

Sau 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, giai đoạn 2011 – 2015, đã có 73 công trình được xây dựng mới; tu sửa, nâng cấp 22 công trình, duy tu, bảo dưỡng 17 công trình, 100% xã có đường nhựa đến trung tâm xã, 95% hộ được sử dụng điện lưới. Trên 3.000 hộ dân được hỗ trợ mua cây, con giống, vật tư, máy móc, phương tiện sản xuất; xây dựng trên 40 mô hình giảm nghèo.

Thông qua Chính sách vay vốn hỗ trợ sản xuất đối với hộ nghèo, cận nghèo, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất, từ đó giảm nghèo. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia tăng, mạng lưới trường, lớp không ngừng được củng cố; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được triển khai toàn diện, đảm bảo các nhu cầu về an sinh xã hội; tình trạng nhà ở dột nát, tạm bợ giảm hẳn. Bên cạnh đó, huyện đầu tư, xây dựng gần 20 công trình nước sinh hoạt tập trung và công trình nước sinh hoạt. Đến nay, có trên 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 40% hộ nghèo có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, 95% trường học cấp nước, có nhà tiêu hợp vệ sinh…

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn huyện đạt 202 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 12,3 tiêu chí, 2 xã về đích NTM là xã Ngọc Phụng, Xuân Dương.

Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Tổng số lao động được giải quyết việc làm 4.200 người; lao động đào tạo nghề đạt 25,9%; tỉ lệ lao động qua đào tạo trên 30,5%; xuất khẩu 668 lao động đi các nước.

Nhờ những quyết tâm đó, nên tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 20,9%; thu nhập bình quân đầu người 19,7 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2016 đạt 15,6%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư có hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Hệ thống giao thông kiện toàn, thuận lợi cho người dân đi lại, học hành, vận chuyển, trao dổi hàng hóa; các trạm y tế khang trang góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn; kênh mương được xây dựng, đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp… từ đó tạo động lực thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trung Lê

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu