08:04 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tâm đắc với “bí quyết” phát triển DNNVV của Nhật Bản

11:31 03/03/2017

(THPL) – Trước những kinh nghiệm để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) được đại diện Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chia sẻ tại một cuộc hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông tỏ ra rất tâm đắc.

2500 địa điểm sẵn sàng trợ giúp SMEs

Nhật Bản được biết đến là một đất nước có nền công nghiệp phát triển với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế “đình đám” thế giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đóng một vai trò quan trọng, là trụ cột trong nền kinh tế Nhật Bản khi có đến 99,7% tổng số các đơn vị kinh doanh là SMEs, sử dụng 70% tổng số lao động. Khu vực này đa dạng về loại hình kinh doanh, trong đó, ngành chế tạo chiếm 11%, bán buôn - bán lẻ và dịch vụ chiếm hơn một nửa.

Ông Hiroshi Arai, Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chia sẻ, do mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử nói chung và nền kinh tế nói riêng có những đặc điểm và yêu cầu khác nhau nên Nhật Bản sẽ xây dựng những chính sách tài chính, chính sách phát triển … để hỗ trợ SMEs.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là động lực để phát triển nền kinh tế. (Ảnh: Internet).

Trong lịch sử phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, chính sách về SMEs luôn là một phần quan trọng trong chính sách công nghiệp. Có thể tóm gọn 4 mốc chuyển đổi trong chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản với từng quan điểm như sau: Giai đoạn 1945-1955: Chống tập trung kinh tế, phát triển SMEs; 1955-1970: Điều chỉnh phân cách giữa SMEs và doanh nghiệp lớn; 1970-1989: Hỗ trợ các SMEs có ý thức phát triển; 1989-nay: Hỗ trợ SMEs, đơn vị kinh doanh nhỏ có quy mô rất nhỏ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hiroshi Arai cho biết, ngoài luật cơ bản, Nhật Bản còn có khoảng 70-80 chính sách, luật hỗ trợ cho SMEs. Hiện ở Nhật có khoảng 8.000 chuyên gia làm công tác hướng dẫn kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ cách vận hành, thực hiện thủ tục kế toán hợp lý…

Chúng tôi dành 310 triệu USD để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khu vực này, tương đương khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Ngoài hỗ trợ tài chính, chúng tôi có các chính sách hỗ trợ đào tạo. Trong đó Luật khuyến khích hiện đại hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Hiroshi Arai nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia hỗ trợ SMEs Nhật Bản, hiện nay tại Nhật có cơ quan hỗ trợ đặt ở 9 khu vực khác nhau, có 47 điểm tư vấn, và thành lập các hiệp hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp với tổng khoảng 2.500 địa chỉ để sẵn sàng trợ giúp khu vực SMEs.

 Việt Nam sẽ nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản

Theo nghiên cứu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 98%, đóng góp 49% cho GDP, và đóng góp ngân sách Nhà nước chiếm 41%. Có khoảng 78% nguồn nhân lực đang làm việc trong khu vực này.

Mặc dù quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ngày càng lớn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngày càng cao, từ 25,14% năm 2010 tăng vọt lên 65,8% năm 2015, tăng gấp 3 lần. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế năm 2010 giảm từ 22,87% xuống còn 7,26% vào năm 2012.

Có rất nhiều lý do khiến SMEs Việt Nam gặp khó khăn trong việc phát triển như khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng còn cao, khó tiêu thụ sản phẩm, thậm chí, nhiều doanh nghiệp kêu ca về những khoản "phí lót tay"....

Từ những hạn chế đó, Jetro đưa ra những khuyến nghị giải pháp về chính sách hỗ trợ cho SMEs Việt Nam. Theo đó, cần thúc đẩy ý muốn đầu tư vào ngành sản xuất thay cho bất động sản, chuyển các nguồn lực từ ngành này sang quỹ hỗ trợ SMEs. Đồng thời, xây dựng chế độ hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước cho SMEs. Nhà nước cần gánh lấy rủi ro để làm hạ lãi suất, thành lập ngân hàng chuyên cho SMEs vay vốn với lãi suất thấp…

Đối với thuế, Jetro khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp như các quốc gia khác. Hiện, thuế suất với các doanh nghiệp nói chung là 20%. Ở Thái Lan, thuế này là 15% và ở Indonesia là 12,5%.

Sau khi nghe những ý kiến từ phía Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ sự sự tâm đắc trước những cách làm rất khoa học, hiệu quả của Nhật Bản. Thứ trưởng nhấn mạnh, cách hỗ trợ của Nhật Bản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thiết thực, nguồn lực lớn và ngân sách lớn.

Thứ trưởng cũng cho rằng, vì nguồn lực của Việt Nam và Nhật Bản khách nhau nhưng Việt Nam sẽ tiếp thu và nghiên cứu phương pháp, cách làm của Nhật Bản để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hiệu quả, phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có của loại hình doanh nghiệp này để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. 

Việt Nam không thể đuổi theo Nhật Bản vì nguồn lực của chúng ta giai đoạn này hữu hạn nhưng cách tiếp cận của họ là phương pháp đi đúng, bài bản. Quan trọng số tiền của chúng ta bỏ ra không nhiều nhưng đi đúng thì vẫn hỗ trợ SMES hiệu quả”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Thảo Nguyên (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu