23:14 ngày 21/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sự tích ông Táo và cách cúng tiễn ông Táo theo đúng nghĩa tâm linh

07:14 19/01/2017

(THPL) - Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch), gia đình người Việt thường làm cơm cúng, tiễn ông Táo về trời. Tuy nhiên, lại có rất ít người biết về sự tích ra đời của ngày Tết ông Táo. Hãy cùng Thuonghieuvaphapluat.vn tìm hiểu về sự tích cũng như ý nghĩa xung quanh ngày Tết ông Táo.

Sự tích ông Táo

Tương truyền, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Hai vợ chồng ăn ở mặn nồng với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, lâu dần Trọng Cao thường kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ Cao “xé” thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và gặp Phạm Lang. Tại đây, hai người phải lòng nhau và kết đôi thành vợ chồng.

Nói về phần Trọng Cao, sau khi nguôi cơn giận thì biết ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa. Day dứt, Cao lên đường tìm kiếm vợ. Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, gạo hết, tiền hết. Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường.

Hình ảnh Táo Quân được tương truyền (Ảnh: Internet)
Tình cờ đi xin ăn, Cao tìm đúng đến nhà của Nhi. Nhi sớm nhận ra người chồng cũ của minh. Nàng mời Cao vào nhà, nấu cơm. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thấy thương tình cho 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp, hay còn gọi là Định phúc Táo Quân, và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Vì sao phải chọn cá chép trong mâm cúng ngày 23 tháng chạp (Âm lịch)

Do các Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện trong nhà cho nên cứ đến 23 tháng Chạp, các gia đình đều làm lễ tiễn ông Táo về trời rất trọng thể. 

Cá chép chính là phương tiện duy nhất để đưa các Táo về trời (Ảnh: Internet)
Trong truyền thuyết, cá chép chính là phương tiện duy nhất để đưa các Táo lên trời. Do đó, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng cá chép với ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn làm phương tiện cho các Táo chầu trời.

Một số lưu ý khi cúng cá chép trong ngày Tết ông Táo.

Nếu không có những yếu tố quá bất tiện, các gia chủ nên chọn cá chép sống thay vì cá chép giấy. Bởi cùng với ý nghĩa thờ cúng để dâng các vị Táo phương tiện đi lại, thì tục lệ phóng sinh cá chép cũng có một ý nghĩa văn hóa trong đời sống tinh thần nhân đạo của người Việt.

Cá chép mang về nhà phải để trong một chiếc bát sạch, dùng nước sạch đổ vào. Tốt nhất có thể xin được nước giếng, vì nước máy ở nhiều nơi đậm chất clo có thể làm chết cá.

Khi thả cả chép cần nhẹ nhàng, nghiêng hộp để cá chép tự quẫy và bơi vào dòng nước (Ảnh: Internet)
Sau lễ cúng ông Táo được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các gia chủ hạ lễ, hóa vàng và phóng sinh cá chép.

Khi thả, không đứng trên cao đổ hay vứt cả túi xuống, cá có thể chết và gây ô nhiễm, mà phải chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Văn khấn tiễn ông Táo về chầu trời

Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Ông Táo về trời (Ảnh: Internet)
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội mọi lỗi lầm trong năm qua của gia chủ chúng con. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ mọn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!

Chú ý: Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối.

* Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo

Thanh Huyền

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu