01:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp vào năm 2030

Nam Phong | 17:01 21/07/2019

(THPL) - Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 80.000-100.000 doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Nghị quyết 53 mới ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 15 quốc gia phát triển nhất thế giới, riêng chế biến nông sản nằm trong nhóm 10. Việt Nam sẽ là trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Ảnh minh họa

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trong giai đoạn này đạt 3% và kim ngạch xuất khẩu đạt 6-8% mỗi năm. Đến năm 2030 sẽ có 80.000-100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khoảng 3.000-4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn.

Chính phủ đánh giá tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp thời gian qua không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Cụ thể, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn ở dạng hộ gia đình với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ. Năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp cần có khát vọng phát triển, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp và việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, xóa bỏ những quy định lạc hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong thời gian qua, nhưng không thể bằng lòng với những gì đã đạt được, vì sắp tới ngành nông nghiệp phải đối mặt với ba thách thức lớn.

Đó là, năng suất của nền kinh tế Việt Nam vẫn kém vì chủ yếu là nông nghiệp hộ nhỏ lẻ manh mún, để tiến lên nền nông nghiệp hiện đại còn rất nhiều khó khăn; thứ hai, Việt Nam chịu tổn thất lớn nhất từ biến đổi khí hậu; và cuối cùng, vì đã chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để hoàn thiện thể chế, tập trung cải cách hành chính..., cùng các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục tạo nên một bức tranh nông nghiệp Việt Nam mới trên thế giới.

Theo Bộ trưởng, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm”. Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu