07:13 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sẽ bỏ áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ cuối tháng này

17:29 09/03/2017

(THPL) - Bộ Công Thương vừa công bố, sẽ bỏ áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào cuối tháng 3 năm nay và từ quý II giá sữa sẽ được tiến hành theo hình thức kê khai. Đây được coi là động thái quan trọng để giá sữa sớm trở về trạng thái thị trường tự điều tiết.

Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng thông tư hướng dẫn trên cơ sở pháp luật hiện hành, cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong kiến nghị mới nhất ở Sách Trắng 2017, tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham, đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam cũng đã kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, vốn đang được Bộ Công Thương gia hạn áp dụng từ quyết định trước đó của Bộ Tài chính.

Việc quy định về quản lý giá sữa tại Thông tư này nhằm hướng dẫn việc quản lý giá sữa cho ngành Công Thương. Trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.

Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa với Bộ Công Thương. 

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Như vậy, giá sữa sẽ do thị trường điều tiết, nhưng vẫn cần có sự giám sát và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước để  ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh sữa bắt tay nhau để cùng “đẩy giá”.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm, hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Việc áp giá trần để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nhưng cũng phải đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xung quanh việc đảm bảo này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trong Sách Trắng 2017 của Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng cho rằng, biện pháp giá trần được áp dụng từ tháng 6/2014 đã khiến nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa tăng, tác động tiêu cực đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa.

Lượng sữa tiêu thụ bình quân ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới. Theo Báo cáo của VCCI và Ngân hàng Thế giới, có tới 60% người tiêu dùng cho rằng họ không được hưởng lợi hoặc hưởng rất ít từ các biện pháp can thiệp vào giá của cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục quan sát các biến động bất thường của thị trường giá, rà soát các chính sách pháp luật liên quan tới thị trường sữa. Song, việc làm thế nào để Nhà nước vẫn quản lý được giá sữa, doanh nghiệp thực hiện được quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng, còn người tiêu dùng được hưởng giá đi đôi chất lượng ổn định vẫn là bài toán nan giải đang đặt ra.

Bích Thảo

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu