19:42 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Sáng nay 27/6, hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

07:10 27/06/2024

(THPL) - Sáng nay 27/6, hơn 1 triệu sĩ tử cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với môn thi đầu tiên là Ngữ văn.

Tại Hà Nội, nơi có số thí sinh dự thi đông nhất cả nước, từ 6h, nhiều thí sinh đã được gia đình đưa đến địa điểm thi. Có mặt tại điểm thi THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) từ sớm, em Nguyễn Lê Ngọc Huyền, trường THPT Việt Nam - Ba Lan cho biết, đây là kỳ thi rất quan trọng, thể hiện kết quả 12 năm đèn sách, nên dù đã chuẩn bị đầy đủ từ kiến thức đến tâm lý từ trước, em vẫn rất hồi hộp.

Đặt mục tiêu vào Học viện Báo chí và truyên truyền, ngành Truyền thông đa phương tiện với tổ hợp xét tuyển C00 (Văn, Sử, Địa), nữ sinh mong muốn sẽ đạt điểm số từ 27 trở lên trong kỳ thi lần này. Để đạt được số điểm ấy, Ngữ văn là môn cần cố gắng nhiều nhất. "Em nghĩ đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn sẽ vào tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hoặc Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu", Ngọc Huyền dự đoán đề Văn.

Còn theo thí sinh Nguyễn Minh Khôi (học sinh Trường THPT Trần Thánh Tông) cho biết: “Thế mạnh của em là môn Toán vì vậy với môn Ngữ văn, em khá hồi hộp dù đã ôn khá kỹ các tác phẩm. Em mong đề thi sẽ xoay quanh tác phẩm Việt Bắc hay Đất nước... vì đã ôn rất kỹ".

Thí sinh được gia đình đưa đến địa điểm thi từ sáng sớm. Ảnh: KTĐT

Tại TP.HCM, từ 6h, nhiều thí sinh có mặt tại điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1). Những ngày qua, Khánh Chi (THPT Trưng Vương) khá lo lắng. Các tác phẩm em đã ôn kỹ, chỉ cần nắm kỹ nội dung, phong cách tác giả, đọc kỹ đề. "Mấy ngày gần thi, em bị sốt nên càng thêm lo, với 120 phút em sợ không đủ giờ", nữ sinh nói.

Người thân động viên thí sinh trước khi vào phòng thi. Ảnh: VietNamNet

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm nay giữ ổn định như năm ngoái; phù hợp với mục tiêu của kỳ thi. Đồng thời, đề thi cũng đảm bảo độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể, cấu trúc đề thi giữ nguyên hai phần gồm: Đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Trong phần làm văn sẽ gồm có một câu nghị luận xã hội (2 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Ma trận đề đi từ nhận biết đến vận dụng cao, với số lượng câu phân bố phù hợp.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chiều nay, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán. Ngày mai, thí sinh làm một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội vào buổi sáng, Ngoại ngữ vào buổi chiều. 

Trước đó, theo Bộ GD&ĐT, chiều 26/6 cả nước có 1.060.356 thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục dự thi đạt tỷ lệ 98.96%. Tổng số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi là 11.037, chiếm tỷ lệ 1.04%. Bộ GD&ĐT đánh giá, buổi làm thủ tục dự thi diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế. Một số thí sinh chưa đến làm thủ tục sẽ tiếp tục làm thủ tục vào đầu buổi sáng nay (27/6).

Sáng nay 27/6, hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: báo Công Lý

Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh. Kỳ thi năm nay không khác biệt với kỳ thi các năm trước. Kỳ thi vẫn được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô hơn 1 triệu thí sinh dự thi vào cùng thời điểm và cùng đề thi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024, chấm thi từ ngày 29/6/2024, công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.

Thí sinh nhận thẻ dự thi chiều 26/6. Ảnh: báo Khánh Hoà

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhấn mạnh, đây là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Kỳ thi tổ chức với mục đích quan trọng là để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng GD&ĐT, đồng thời làm căn cứ để xét tuyển ĐH - CĐ. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị tất cả địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhắc lại tinh thần “bốn đúng, ba không” đã được quán triệt từ kỳ thi năm 2023 và tiếp tục lưu ý thực hiện trong kỳ thi năm nay. “Bốn đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “Ba không” là không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi không chỉ phục vụ cho gian lận thi cử mà còn cho nhiều hoạt động khác. Vấn đề của chúng ta là phải làm tốt công tác phòng, chống.

Để có thể phát hiện, ngăn chặn thiết bị gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác thi. Tiếp đó, công an các tỉnh, TP tiếp tục tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ thí sinh có thể sử dụng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi tại các địa phương.

“Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là lựa chọn con người. Đồng thời với đó là làm tốt công tác truyền thông để thí sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của việc bị phát hiện gian lận và xử lý nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu