07:17 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phối hợp xử lý tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu

14:15 22/10/2019

(THPL) - Trước tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai thực hiện để giảm thiểu tình trạng ùn ứ, đặc biệt trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu.

Theo TTXVN, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Trong khi đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đang xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trước tình trạng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ùn ứ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp triển khai trong giai đoạn chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Cụ thể, theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn số 1068/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, theo đó đề nghị các sở trên cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thanh long nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Công văn cũng yêu cầu các sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu thanh long, điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc, v.v...

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu, các sở bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng; có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết.

Theo kinhtedothi.vn, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương để điều tiết hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi cần thiết.

Hoàng Vân (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu